Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 10:47 (GMT +7)
Để trẻ em vùng DTTS phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ
Thứ 2, 09/12/2024 | 19:06:22 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của Quảng Ninh luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể lực trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng DTTS, miền núi, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND (7/7/2023) về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai các chỉ tiêu của Đề án. Việc triển khai Đề án gắn với việc thực hiện Dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 và Nghị quyết 06-NQ/TU (17/5/2021) của Tỉnh ủy về “Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo đến Hội LHPN 8 địa phương tham gia Đề án (Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn). Tập trung tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em tại 64 xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn thuộc 8 địa phương trên. Trong đó có 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao, gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (Hạ Long); Đạp Thanh, Thanh Lâm (Ba Chẽ); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (Tiên Yên); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (Bình Liêu); Quảng An, Quảng Lâm (Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (Hải Hà); Vạn Yên (Vân Đồn).
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em tiếp tục được tăng cường, mở rộng địa bàn; tăng số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội thảo “Giải pháp cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh”, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu thuộc các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc ngành Y tế, đại diện các cơ sở mầm non, phòng y tế địa phương, Hội LHPN cấp huyện, cấp cơ sở, chi hội trưởng phụ nữ, cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, Sản–Nhi. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe những đánh giá về thực trạng dinh dưỡng, thể lực trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh hiện nay; nguyên nhân, hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em; những thuận lợi, khó khăn cơ bản trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng; các giải pháp góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi. Các đại biểu cũng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai 16 lớp tập huấn kiến thức nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ dưới 5 tuổi; kiến thức về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường thể lực cho bà mẹ, trẻ em cho đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các địa phương thuộc phạm vi triển khai Đề án. Đồng thời tổ chức 48 lớp tập huấn cho đối tượng nữ thanh niên, bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ về kiến thức, kỹ năng phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường thể lực cho bà mẹ và trẻ em; nâng cao thể trạng cho trẻ em dưới 5 tuổi; chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại cộng đồng...
Tại các địa phương, Hội LHPN cấp huyện đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, truyền thông cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt tại địa phương để tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao cao thể trạng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt thông qua hình thức tuyên truyền sân khấu hóa, các nội dung tuyên truyền Đề án dễ hiểu, dễ nhớ. Nổi bật là ngày 2/11 vừa qua, Hội LHPN TP Hạ Long phối hợp với Đảng uỷ, UBND xã Thống Nhất (TP Hạ Long) tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Các đội thi đã lần lượt trải qua phần thi kiến thức bằng hình thức thi trắc nghiệm và phần thi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá. Qua mỗi phần thi, các đội thi đã được tìm hiểu những kiến thức về dinh dưỡng; chế độ dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ; cách xây dựng khẩu phần ăn; an toàn vệ sinh thực phẩm; các bài tập vận động, trò chơi vận động để phát triển thể chất cho trẻ tại gia đình...
Hội LHPN tỉnh và một số địa phương cũng xây dựng, phát hành tờ gấp tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, bà mẹ mang thai; kỹ năng thực hành dinh dưỡng và chăm sóc trẻ... phù hợp với đối tượng phụ nữ, người dân vùng DTTS. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của thôn, bản, xã, phường; các kênh thông tin tuyên truyền của Hội PN các cấp; các phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội (zalo, facebook)...
Tại 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất trong tỉnh, Hội LHPN cấp xã đã thành lập, ra mắt và tập huấn cho thành viên mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”. Đối tượng tham gia mô hình là cán bộ hội phụ nữ cơ sở, các ông bố, bà mẹ, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, thành viên các gia đình có con từ 0-5 tuổi mong muốn tham gia sinh hoạt. Các thành viên tham gia sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khoa học, đảm bảo trẻ phát triển trí tuệ và thể lực tốt nhất. Hội LHPN tỉnh đã cấp phát trên 400 quyển sổ theo dõi chiều cao, cân nặng trẻ từ 0-60 tháng tuổi cho các thành viên mô hình hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 6 tháng tuổi, đồng thời hướng dẫn các thành viên việc theo dõi sự phát triển của trẻ.
Các chỉ tiêu, nội dung của Đề án được thực hiện lồng ghép với nội dung nhiệm vụ hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ các cấp. Trong đó hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tiếp tục được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh triển khai hiệu quả, nhằm đảm bảo về kinh tế, tăng thu nhập cho phụ nữ và các hộ gia đình để tạo nguồn nuôi dưỡng cho trẻ phát triển cả dinh dưỡng và thể lực. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN các cấp đã phối hợp giải ngân vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội lên tới trên 197 tỷ đồng cho 2.748 người vay. Các cấp Hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm. Thông qua các chương trình vận động xã hội hóa của Hội, như: “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... đã tiếp thêm nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Trong năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh cũng tăng cường phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh về nâng cao chất lượng khẩu phần ăn, cải thiện bữa ăn tại trường của trẻ ở vùng DTTS, miền núi. Đồng thời tuyên truyền, vận động các trường mầm non tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, rèn luyện phát triển thể chất cho trẻ.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()