Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:47 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới giáo dục và đào tạo
Thứ 7, 30/12/2023 | 16:51:00 [GMT +7] A A
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi "giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu". Quan điểm đó đã được nêu rõ trong các văn kiện của Đảng, được thể chế hóa bằng các chính sách của Nhà nước, được các cấp, các ngành triển khai và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tại Quảng Ninh, với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Qua 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi mới giáo dục cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước trước mắt cũng như lâu dài.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW bằng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đổi mới giáo dục, đào tạo được nâng lên. Cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động sổ 26-CTr/TU ngày 05/3/2014 về việc thực hiện Nghị quyết số 29. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 495-KH/TU ngày 26/7/2019 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 15/7/2020 về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo. Giai đoạn 2013 - 2023, HĐND tỉnh cũng đã ban hành 35 nghị quyết về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
Dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong 2 năm học liên tiếp nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, trợ cấp đối với trẻ em đang học mầm non dân lập, tư thục, là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, tỉnh cũng tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú thêm 2 năm học sau khi xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn hoặc xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới và nhiều chính sách khác... Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, chi thường xuyên cho ngành Giáo dục năm sau cao hơn năm trước với tổng mức chi 26.195 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là 4.752 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mới, cơ bản bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về chất lượng (tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng trong trường học được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chì đạo thực hiện, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các đơn vị giáo dục thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong ngành Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Công tác phát triển đảng viên trong trường học được quan tâm. Đến nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh có trên 11.600 đảng viên, 100% các trường học đều có chi bộ, đảng viên tăng qua các năm. Đặc biệt, từ năm 2020 đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã kết nạp được 24 học sinh THPT là những quần chứng ưu tú có thành tích cao trong học tập và các hoạt động phong trào. Việc bồi dưỡng học sinh ưu tú kết nạp vào Đảng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên mà còn tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hàng loạt các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ đã được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2014, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2704-UBND ngày 17/11/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2015, tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 với phạm vi, quy mô toàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng.
Bên cạnh đó, các quy định về dạy thêm, học thêm cũng được UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc, việc thu học phí được thực hiện theo đúng quy định. Qua đó, công tác quản lý và tổ chức dạy thêm, học thêm trong các nhà trường đã đi vào nền nếp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Như vậy, với sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm phấn đấu sau nhiều năm, Quảng Ninh hiện là tỉnh thứ 18/63 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với lộ trình chung của toàn quốc. Tính đến tháng 9/2023, Quảng Ninh là 1 trong số 31 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức cao nhất); là 1 trong số 23 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Nhiều học sinh giành được huy chương, giải cao tại các cuộc thi, kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Nổi bật như lần thứ 3 có học sinh quán quân Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, có học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương; huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu.
Những thành tựu đáng ghi nhận của ngành Giáo dục chính là kết tinh từ sự quan tâm cao độ, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu của cấp ủy chính quyền các cấp; sự quan tâm cao độ của toàn xã hội; đặc biệt là đoàn kết trên dưới một lòng, tận tụy, hy sinh, cống hiến hết mình của đội cán bộ, giáo viên toàn tỉnh. Quảng Ninh phấn đấu đưa giáo dục nằm trong nhóm 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.
Ngọc Khôi
- Bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
- TP Móng Cái: Nâng cao chất lượng giáo dục
- Chuyển biến trong công tác giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục trong trường học
- Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
Liên kết website
Ý kiến ()