Tất cả chuyên mục

Từ tháng 2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có chiều hướng tiếp tục lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sống, đời sống người chăn nuôi. Để sớm ngăn chặn, tiến tới kiểm soát, loại bỏ được dịch tả lợn châu Phi, Tỉnh ủy vừa ban hành Công văn số 1850-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền các cấp khẩn trương triển khai kiên quyết, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư và Thông báo số 192/TB- VPCP ngày 17/5/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức thực hiệu quả Kết luận số 472-KL/TU ngày 16/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về biện pháp khắc phục hậu quả của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch; chỉ đạo kiểm soát việc hỗ trợ bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng chính sách, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để bỏ sót hoặc lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi, tiêu cực, tham nhũng.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xét duyệt hỗ trợ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn tiêu hủy bảo đảm đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi; chịu trách nhiệm trước tỉnh và pháp luật về việc triển khai chính sách hỗ trợ tại địa phương. Quan tâm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời khai báo, phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi bệnh bảo đảm yêu cầu; đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, thực hiện việc tiêu hủy lợn bệnh đúng quy trình, không để gây ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành chức năng tập trung, quyết liệt thực hiện công tác khống chế dịch; kiểm tra, đôn đốc các địa phương đơn vị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; định kỳ báo cáo hằng ngày kết quả thực hiện và kịp thời tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
MTTQ và các đoàn thể tỉnh hướng hoạt động về cơ sở, sâu sát nắm địa bàn để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đối với đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức của nhân dân về dịch tả lợn châu Phi; vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu người đúng đầu cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời; Văn phòng Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình để báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo.
Các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh thường xuyên thông tin kịp thời, chính xác về tình hình diễn biến dịch bệnh, các biện pháp chỉ đạo, điều hành của tỉnh và địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Vũ Đức
Ý kiến ()