Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:31 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ
Thứ 4, 11/09/2024 | 13:04:53 [GMT +7] A A
Mưa lớn kéo dài sau bão số 3 gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ngành Y tế Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.
Ngày 10/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đã tổ chức lớp tập huấn công tác y tế, hướng dẫn xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ. Theo đó, các cán bộ y tế theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện, phòng y tế, trung tâm y tế của 13 địa phương trong tỉnh tham gia tập huấn trực tuyến về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ như đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn)…; công tác bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; hướng dẫn xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ứng phó với bão, lũ lụt; kỹ thuật sử dụng máy phun và công tác phun khử khuẩn trong phòng, chống dịch; xử trí sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển người bệnh an toàn đối với một số dạng chấn thương, tai nạn thường gặp.
CDC Quảng Ninh cũng thành lập 2 đoàn công tác thực hiện giám sát, đánh giá công tác ứng phó sau bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, thực hiện các biện pháp khống chế hiệu quả không để dịch bệnh bùng phát tại các vùng có mưa lớn và ngập lụt; nhanh chóng cử đội cơ động chống dịch hỗ trợ điều tra các điểm được báo cáo về sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh qua đường tiêu hóa.
Các đơn vị y tế tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa bão và lũ lụt; tổ chức thu gom rác thải và các xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất khử trùng để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Ngành Y tế tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lớn, ngập lụt về triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế.
Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và phương tiện để sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng bị ảnh hưởng và tổ chức cấp cứu lưu động, hỗ trợ y tế cho nhân dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn khi có tình huống xảy ra.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()