Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 21:42 (GMT +7)
Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn
Thứ 5, 21/11/2024 | 13:20:58 [GMT +7] A A
Truy xuất nguồn gốc là một trong những tiêu chí để gia tăng giá trị nông sản. Vì vậy, thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường xây dựng hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm của mình, hướng tới việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Sở NN&PTNT Quảng Ninh triển khai từ năm 2019 với mục đích góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống đã được hoàn thiện phần mềm, có địa chỉ website: https://qn.check.net.vn. Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm bằng phương thức điện tử này giúp các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng phát huy quyền giám sát, kiểm tra; dễ dàng xác minh nguồn gốc sản phẩm, phát hiện kịp thời hàng giả, hàng không có nguồn gốc hợp pháp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp sức khỏe người tiêu dùng.
Để phát huy hiệu quả hệ thống, thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh và đơn vị tư vấn đã tiến hành thu thập, số hóa, cập nhật dữ liệu của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bản tỉnh lên hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất. Hiện toàn tỉnh đã có 576 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp tài khoản đăng nhập, vận hành hệ thống, 1.346 sản phẩm nông sản, thủy sản được cấp mã Qr-code (ước đạt 96% số cơ sở); cấp 5 tài khoản đăng nhập, vận hành hệ thống cho 355 cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản; cấp Qr-code 852 sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (đạt 100% cơ sở thống kê); cấp 90 tài khoản vận hành cho 90/27.401 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc diện ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn (đạt 0,3% số cơ sở được thống kê); 96 mã Qr-code cho 96 sản phẩm tham gia hệ thống; số cơ sở tham gia Chương trình OCOP được cấp tài khoản đăng nhập, vận hành hệ thống là 102 cơ sở; cấp 235 mã Qr-code cho 235 sản phẩm OCOP đạt sao; 02 doanh nghiệp đầu tư in ấn 11.400 tem truy xuất nguồn gốc mã QR-code.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến hướng dẫn sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh cũng đã được các đơn vị liên quan đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, qua đó giúp tỉnh từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ lực có lợi thế của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh đã có 04 địa phương gồm Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn ban hành Kế hoạch duy trì Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng đã ban hành công văn hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đăng nhập, quản lý và sử dụng tài khoản hệ thống truy xuất nguồn gốc. 13/13 địa phương phối hợp với tổ công tác của Sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đạt chỉ tiêu 80% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc và cập nhật dữ liệu, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh với trên 500 người tham gia. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 03 địa phương Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí với 90 người tham gia. Với các biện pháp trên, nhận thức của người dân và danh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã thay đổi, chú trọng hơn đến công tác an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, để việc truy xuất hàng hóa được thực hiện đồng bộ, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động truy xuất nguồn gốc; rà soát, thống kê các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 80% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR-code truy xuất được nguồn gốc; 100% cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 10% cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã QR-code cho các sản phẩm; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()