Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:35 (GMT +7)
Phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Thứ 5, 02/02/2023 | 14:12:21 [GMT +7] A A
Với quan điểm “OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh”, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh đã xác định phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Qua gần 10 năm triển khai, đến nay, Quảng Ninh có hơn 500 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao.
Ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Đầm Hà đã chú trọng thực hiện chương trình OCOP nhằm khai thác thế mạnh địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng. Huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn và người dân triển khai chương trình OCOP. Nhờ đó, chương trình đã phát triển tốt, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến xây dựng NTM nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội huyện nói chung. Đến nay, Đầm Hà có 31 sản phẩm OCOP của 21 cơ sở sản xuất; trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Gà bản Đầm Hà, dưa lưới Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, rượu sim Quý Chuẩn, củ cải khô, củ cải phên, củ cải ăn liền…
Ông Ty Văn Bích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết: Nhờ có chương trình OCOP, sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được nâng tầm giá trị, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, lợi nhuận của HTX tăng từng năm. Với diện tích gieo trồng khoảng 100 ha, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 30 tấn củ cải phên, 8 tấn củ cải khô, 15 tấn củ cải ăn liền.
Là một trong số các chương trình, đề án đặc thù trong xây dựng NTM, chương trình OCOP được tỉnh triển khai từ năm 2013. Khi đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình này. Tỉnh đã thực hiện một cách bài bản, hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng đến hướng dẫn quy trình triển khai, xúc tiến thương mại điện tử. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, chương trình OCOP đã có bước phát triển đột phá, trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, được trung ương chọn, triển khai nhân rộng khắp cả nước.
Qua gần 10 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng NTM. Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm gắn với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân các địa phương đã được đánh thức, trở thành những sản phẩm thế mạnh, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đây cũng là một trong những kênh quan trọng góp phần để nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ về đích NTM.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 152 đơn vị sản xuất tham gia OCOP với 569 sản phẩm, thuộc các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ, trong đó 336 sản phẩm đã đạt từ 3 đến 5 sao. Tham gia chương trình, hoạt động của các tổ chức kinh tế có nhiều khởi sắc, hầu hết các đơn vị sản xuất có sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu vẫn là sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm mới đặc trưng, cơ sở sản xuất còn thô sơ... Từ nay đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ NN&PTNT "Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm".
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()