Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:54 (GMT +7)
63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4 (1959-2022) Quảng Ninh phát triển bền vững ngành thuỷ sản
Thứ 6, 01/04/2022 | 07:56:11 [GMT +7] A A
Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, khi về thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà... Bác Hồ đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó có ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thực hiện lời dạy của Người, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã có những bứt phá vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và hội nhập vững chắc vào kinh tế quốc tế.
Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250km, có 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú. Điều này, giúp cho Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Năm 2021, sản lượng thủy sản đạt gần 150.000 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 52,5% giá trị của toàn ngành nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.300ha; thả nuôi khoảng 5,42 tỷ con giống các loại. Hiện, tỉnh đang hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững, tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản. Cụ thể, tập trung khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ; tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm nuôi chủ lực tôm, nhuyễn thể.
Đặc biệt, các chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng vào lĩnh vực thủy sản đã phát huy hiệu quả, từ đó trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn phát triển. Tiêu biểu như Tập đoàn Việt - Úc, sau 2 năm khởi công (từ năm 2019), đơn vị đã có mẻ tôm giống đầu tiên sản xuất. Từ đó, bài toán về thiếu giống tôm nuôi đã có lời giải. Trong năm vừa qua, 24 trại giống của Việt - Úc sản xuất gần 1 tỷ con giống, trong đó, 70% được cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tạo tiền đề khiến con tôm trong cơ cấu đối tượng nuôi thủy sản Quảng Ninh được nâng tầm.
Với sự tăng trưởng nhanh, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tiếp tục phát triển bứt phá. Dự báo đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất thủy sản sẽ tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 55-60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Quảng Ninh cũng nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phát huy tiềm năng để trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng thủy sản khoảng 153.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 21.000ha; phấn đấu sản xuất và cung ứng các giống thuỷ sản đạt 45-50% giống có nguồn gốc trong tỉnh. Bên cạnh đó, hoàn thành việc thay thế vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương; rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu tàu cá theo hướng giảm dưới 7.800 chiếc; phấn đấu đăng ký, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản 70% số tàu cá tồn đọng chưa được đăng ký; tổ chức cấp giấy phép khai thác thuỷ sản đạt 75%. Cùng với đó, thiết lập và kiểm soát được trên 70% số tàu cá và sản lượng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, khắc phục “thẻ vàng” EC.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Giám đốc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT): Nhân ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, Sở dự kiến sẽ thả trên 2,3 triệu con giống các loại như: Cá trắm cỏ, trắm đen, mè trắng, mè hoa, cá chép, tôm sú, cá song... tại Cẩm Phả, Hải Hà và Ba Chẽ. Qua đó, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực ven biển và nội đồng, duy trì ổn định, cân bằng sinh thái các thủy vực tự nhiên và hồ chứa. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý nghĩa, lợi ích của việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong đời sống hiện thực và tương lai; phát triển nhiệm vụ tái tạo nguồn lợi thủy sản tới toàn thể các địa phương, xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()