Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:38 (GMT +7)
Nỗ lực phủ diện cung cấp nước sạch nông thôn
Thứ 3, 15/08/2023 | 06:30:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có phần lớn diện tích là đồi núi, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, vì thế việc bao phủ mạng lưới nước sạch sinh hoạt không phải dễ thực hiện. Tuy nhiên, khắc phục khó khăn về địa hình, những năm qua các địa phương và đơn vị liên quan đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, triển khai linh hoạt các giải pháp để đưa nước sạch đến với người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Những ngày này, gần 1.000 hộ dân xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) vô cùng phấn khởi, bởi dự án xây dựng đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã đã hoàn thành. Giờ đây người dân đã có thể sử dụng nguồn nước sạch thay thế nguồn nước không đảm bảo vệ sinh lấy từ các khe suối.
Ông Hoàng Văn Lường, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Văn Mây (xã Phong Dụ) chia sẻ: Trước đây, để có nước sinh hoạt người dân trong thôn phải mua ống nước dẫn từ các khe suối từ đồi cao về nhà. Chi phí để thay ống dẫn nước hằng năm rất tốn kém mà nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, vào mùa khô, các khe suối cũng cạn, người dân phải gánh nước từ xa về để sử dụng, rất vất vả. Bây giờ, khi có nguồn nước sạch của nhà nước đầu tư, nhân dân rất vui mừng. Chúng tôi cùng bảo nhau sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, để tất cả người dân trong thôn có đủ nước sinh hoạt.
Công trình nước sạch mới tại xã Phong Dụ có tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, do UBND huyện Tiên Yên làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao của xã Phong Dụ, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ, cho biết: Hiện xã đã thành lập tổ tự quản để vận hành công trình nước sạch. Đồng thời xây dựng quy chế, mức thu phí sử dụng để có nguồn kinh phí bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa những hư hỏng nhỏ trong quá trình sử dụng, đảm bảo hiệu quả sau đầu tư của công trình.
Cùng với gần 40 công trình đã được đầu tư những năm trước đây, dự kiến trong năm 2023 huyện Tiên Yên sẽ đưa thêm 17 công trình nước sinh hoạt tự chảy vào hoạt động, góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ 60% lên hơn 80%. Điều quan trọng hơn là nhờ hưởng lợi từ nguồn nước sạch, chính cộng đồng dân cư đã nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy của thôn, bản mình.
Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người dân. Ở các đô thị trên địa bàn tỉnh, vấn đề nước sạch đã cơ bản được đáp ứng thông qua mạng lưới cấp nước của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Tuy nhiên ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, do địa hình khó khăn nên chưa có những công trình cấp nước tập trung. Theo tập quán từ xưa, người dân thường dùng nước giếng khoan, hoặc nước mặt từ các kênh, suối. Các nguồn nước này không mang tính bền vững, thường cạn kiệt vào mùa khô và ngày càng bị ô nhiễm do tác động của quá trình sản xuất nông, lâm và công nghiệp.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cùng với sự nỗ lực của các địa phương trong tỉnh, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cũng đang mở rộng mạng lưới cấp nước sạch đến nhiều địa bàn dân cư vùng khó khăn. Qua khảo sát sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh còn hơn 24.700 hộ dân nằm trong vùng phục vụ cấp nước của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, nhưng chưa có tuyến mạng, hệ thống đường ống cấp nước. Để các hộ dân có thể đấu nối sử dụng nước sạch, cần đầu tư bổ sung hơn 317km đường ống các loại, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 94 tỷ đồng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn này, công ty đang cân đối vốn đầu tư phần công nghệ, riêng phần xây dựng sẽ huy động xã hội hóa nguồn lực từ chính quyền và nhân dân ở các địa phương. Phấn đấu trong năm 2023, công ty sẽ mở rộng thêm mạng lưới đưa nước sạch đến hơn 12.000 hộ khách hàng, góp phần thực hiện mục tiêu của tỉnh là đảm bảo tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch đạt trên 70% theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Để hoàn thành mục tiêu trên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân vùng nông thôn, miền núi thay đổi nhận thức, thói quen, tích cực dùng nước sạch.
Lê Nam
- Quan tâm sửa chữa nhà máy nước sạch
- "Tăng cường vận động các hộ dân đấu nối, sử dụng các công trình nước sạch"
- Nước sạch cho chương trình xây dựng nông thôn mới
- TP Hạ Long: Ưu tiên đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn
- Thực hiện mục tiêu trên 70% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()