Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:35 (GMT +7)
Nông thôn Quảng Ninh ngày một đẹp hơn
Chủ nhật, 05/06/2022 | 07:23:55 [GMT +7] A A
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội khắp các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Quá trình thực hiện, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được coi là khó nhất nhưng tới nay cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã đạt được. Nhờ vậy, bộ mặt nhiều làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Quảng Ninh ngày một đẹp hơn.
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Đông Triều đã trở thành một trong 4 huyện, thị đầu tiên trong cả nước và là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở miền Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong nước vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất. Nguyên nhân có nhiều, như tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Các hộ chăn nuôi dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát. Thêm việc quan tâm quy hoạch nghĩa trang đạt chuẩn, tăng cường trồng cây xanh, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải tập trung ở mỗi xã đang là vấn đề khó thực hiện triệt để do quỹ đất cũng như kinh phí hạn hẹp...
Khó khăn là vậy nhưng bằng nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết tâm của tỉnh, nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp, đoàn thể và người dân, tiêu chí số 17 về môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được Quảng Ninh từng bước giải quyết hiệu quả.
Một trong những điểm nhấn đó là bộ mặt nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới. Nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn môi trường đối với cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội không ngừng được nâng lên. Việc di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nơi ở, ăn uống hợp vệ sinh đã trở thành phong trào tại các huyện như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. “Ngày chủ nhật xanh” đã thành nền nếp hàng tuần ở các thôn, bản.
Nhiều địa phương có những cách làm riêng như Cô Tô đã triển khai đề án thực hiện hạn chế sử dụng túi nilon và phân loại rác thải tại nguồn. Những con đường hoa, những bức tranh tường tô đẹp đường làng ngõ xóm, cây xanh... đã và đang xuất hiện ngày một nhiều ở các thôn, bản, làng ở Quảng Ninh giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo số liệu của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay 98/98 xã của Quảng Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 44 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Lộ trình từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành hồ sơ công nhận 4 địa phương còn lại đạt chuẩn nông thôn mới là Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu; hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đầm Hà và Tiên Yên.
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Một số nội dung về tiêu chí môi trường theo đó sẽ phải rà soát lại cho phù hợp. Dù vậy, với chỉ đạo của tỉnh, vào cuộc quyết tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân, chắc chắn những khó khăn sẽ được giải quyết, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới như Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 về phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()