Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:38 (GMT +7)
Quảng Ninh áp dụng hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách
Thứ 2, 25/09/2023 | 08:11:22 [GMT +7] A A
Thực hiện phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng, nhờ đó trong hơn 10 năm qua, với hàng trăm ngàn tỷ đồng của các tập đoàn đầu tư chiến lược đổ vốn vào Quảng Ninh, những dự án “khủng” mang giá trị tỷ đô đã và đang được thực hiện từ Đông Triều đến Móng Cái đã khẳng định tư duy, cách làm, tầm nhìn của Quảng Ninh trong thời kỳ chuyển từ khai thác các tiềm năng tĩnh sang khơi thông tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú huých mới.
Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được tỉnh Quảng Ninh khởi động từ năm 2011 với 3 hình thức là: “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công”, nhằm tái cơ cấu đầu tư, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bắt đầu từ năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư chưa đầy đủ và đồng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu, ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”. Ngay trong năm 2014, trong quá trình thu hút đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng phục vụ phát triển, tỉnh đã chủ trương thí điểm ở một số dự án. Từ những công trình ban đầu, hình thức đầu tư này đã cho thấy những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và giảm thiểu rất nhiều chi phí từ ngân sách…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai 46 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó trong hơn 10 năm qua tỉnh đã kiến tạo được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, tương đối đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể.
Nổi bật là hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu; đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Trường THPT Hòn Gai…
Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất nước (176/1.046km), tạo bước đột phá mới về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Qua đó đã mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”…
Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…
Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…
Ngọc Huyền (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()