Ngày 27/4, tại TP Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu; đồng thời lập kỷ lục 9 năm nằm trong TOP 5 và 5 năm liên tiếp nhận Cúp quán quân trong bảng xếp hạng danh giá này.
Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; ngài Marc. E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tại lễ công bố, VCCI đã dành thời gian để phân tích về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động doanh nghiệp và đánh giá triển vọng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng có những cải thiện rõ rệt.
Tại Quảng Ninh, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng được triển khai tích cực và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, thành lập các tổ công tác để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình mới, xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN; nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…
Nhờ đó, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hoạt động SXKD, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD.
Tại hội nghị, VCCI đã công bố kết quả PCI năm 2021. Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đến là Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Đây cũng là các địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch Covid-19 (theo đánh giá của các doanh nghiệp).
Vị trí cuối bảng không có thay đổi nhiều so với năm trước, lần lượt từ cuối bảng lên là Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum...
Đây là năm thứ 17 liên tiếp VCCI công bố Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản, khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới, phản ánh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, Quảng Ninh đã duy trì 5 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân và 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển KT-XH ngay cả khi chịu tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19; khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào...
Phát biểu sau khi nhận Cúp quán quân PCI năm 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã bày tỏ cảm ơn đối với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, với Chính phủ và VCCI. Đó chính là phần thưởng trân trọng, quý giá, là kết quả của quá trình nỗ lực, liên tục bền bỉ, có kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển.
Là sự nỗ lực trong cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động… để giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả của cả quá trình nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.
Là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi trong việc dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, giữ vững sự đoàn kết, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó là mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm đối với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở... Kết quả của sự hội tụ bản sắc văn hoá, con người Quảng Ninh với ý chí tự lực, tự cường được chuyển hoá thành ý chí, quyết tâm, khát vọng mãnh liệt về phát triển…
Đồng chí nhấn mạnh, chỉ số PCI được khảo sát thường niên với Quảng Ninh không chỉ là một kênh tin cậy để lắng nghe ý kiến chia sẻ, đo lường thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mà còn là thương hiệu của địa phương, là nguồn lực, động lực phát triển nhanh, bền vững, là mục tiêu chính trị đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI”.
Quan điểm của Quảng Ninh là “cái gì không đo đếm được thì không quản lý được”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, phương châm “giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, mà giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng lên tầm cao mới lại càng khó hơn”, và không tự chủ quan, tự thỏa mãn mà luôn nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức để tìm cách tháo gỡ, giải quyết…
Với kết quả xếp hạng PCI đứng đầu cả nước, Quảng Ninh xác định vai trò và trách nhiệm cao hơn, đòi hỏi tỉnh càng phải tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đề cao trách nhiệm trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt...
Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình đối tác công - tư (PPP)… định hình hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới mà mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền và các yếu tố bảo đảm là một phức hợp, quan hệ cộng sinh, tạo tiền đề tương hỗ cho nhau, cùng thắng, cùng phát triển, cùng nắm tay nhau đi đường dài, đường xa.
Tại lễ công bố, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: Báo cáo PCI năm 2021 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
Báo cáo PCI năm 2021 không chỉ chỉ ra dư địa cải cách, mà còn góp phần tổng kết và nhân rộng những mô hình, công nghệ cải cách cho các địa phương. Nhiều thực tiễn tốt trong cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương, qua các hoạt động của dự án PCI đã được lan tỏa.
Năm 2022 là năm vượt khó, là năm “bước ngoặt” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 2022 cũng là năm “giữ lửa” cải cách, và tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm sắp tới. Kỳ vọng ấy chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên, năm 2022 sẽ đem lại “sức sống mới” cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng. VCCI cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ và chính quyền các địa phương.
Thay mặt VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đồng chí Phạm Tấn Công chúc mừng, vinh danh danh hiệu "Chính quyền kiến tạo" cho các địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI năm nay, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh - 5 năm đứng đầu bảng xếp hạng.
Thực hiện: Đỗ Phương - Minh Đức- Hoàng Nga - Minh Hà
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang - Mạnh Hà