Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:53 (GMT +7)
“Quảng Ninh là miền đất tạo được rất nhiều cảm hứng cho văn nghệ sĩ”
Chủ nhật, 28/05/2023 | 20:37:46 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đã gắn bó với phong trào sáng tác VHNT ở Quảng Ninh trong nhiều năm qua, bản thân ông cũng có những ca khúc về vùng đất này. Cuối tháng 4 vừa qua, khi ông về Quảng Ninh giảng về nghiệp vụ sáng tác ca khúc cho văn nghệ sĩ Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
- Gần gũi với Vùng mỏ trong thời gian dài, nhạc sĩ có nhận xét gì về hoạt động sáng tác VHNT của các văn nghệ sĩ Quảng Ninh hiện nay?
+ Đúng là giới nhạc sĩ chúng tôi đã có truyền thống gắn bó với đất mỏ Quảng Ninh kể từ những năm chống Mỹ cứu nước, khi mà đoàn các nhạc sĩ như nhạc sĩ Hoàng Vân, Tân Huyền, Văn Dung, Đỗ Nhuận… thời kỳ đó đã về đây và để lại rất nhiều tác phẩm. Cho đến thế hệ chúng tôi, tiếp bước theo thế hệ đàn anh đi trước gắn bó với Quảng Ninh.
Vùng đất này cho chúng tôi cảm giác mỗi lần đến là thấy tự hào, trong đó nổi lên là những giọng ca như cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, sau này là Đức Long và nhiều những giọng ca trẻ khác…
Đối với Quảng Ninh, chúng tôi còn chú ý đến một lực lượng nữa là các nhạc sĩ, từ Xuân Nhật, Đỗ Hòa An, Lê Đăng Vệ… Các thế hệ sau này đều được học hành, trang bị kiến thức rất là cơ bản, vì thế mà hiện nay đã hình thành nên một chi hội nhạc sĩ mạnh ở khu vực Đông Bắc nước ta.
Bên cạnh đó, hoạt động thường xuyên của Hội VHNT Quảng Ninh đã động viên và tạo điều kiện cho các nhạc sĩ đi thực tế, rồi dành những đợt đi sáng tác, nhất là duy trì được ngày hoạt động âm nhạc Quảng Ninh vào 25/4 hằng năm. Đấy là những hoạt động rất tích cực, tạo điều kiện cho những tác phẩm mới ra đời. Và rất mừng là càng ngày càng có nhiều ca khúc mới, hay và được giải ở các cuộc thi của trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Điều đó cho thấy lực lượng các nhạc sĩ, ca sĩ Quảng Ninh ngày càng đông đảo, lớn mạnh.
Thêm nữa, các tác phẩm còn đóng góp trực tiếp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có nhiệm vụ thu hút khách du lịch, để Quảng Ninh trở thành nơi hấp dẫn không chỉ về mặt thiên nhiên, mà còn là mảnh đất của văn hóa, âm nhạc.
- Nhạc sĩ đang nói về nhiệm vụ chính trị gắn với việc phát triển kinh tế, có yếu tố giải trí, vậy thì ông có định hướng gì cho các nhạc sĩ Quảng Ninh để hài hòa hai nhiệm vụ này không?
+ Tôi nghĩ, điều quan trọng với âm nhạc Quảng Ninh là làm phong phú thêm các hình thức biểu diễn. Chúng ta không chỉ biểu diễn trên sân khấu, chúng ta có một bờ biển, bờ vịnh rất đẹp, có thể tổ chức được những hình thức đàn, hát ngay bên bờ vịnh. Chúng ta có thể đưa âm nhạc trở thành một phần của những tour trên tàu du lịch. Chúng ta cũng là nơi rất thuận lợi cho những sự kiện giao lưu quốc tế về âm nhạc. Và khi họ đến đây thì chúng ta có những thiết chế văn hoá rất là đẹp, có sân khấu ngoài trời…
Việc đa dạng hóa các hình thức biểu diễn nghệ thuật âm nhạc góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của tỉnh không chỉ phục vụ cho chính quyền mà còn phục vụ cho du lịch. Thêm nữa, ở đây cũng là điểm mà có thể thu hút được các văn nghệ sĩ của cả nước hội tụ về, không chỉ là các tài năng âm nhạc mà còn sân khấu, xiếc, văn học, thơ ca… Chúng ta đã từng làm chương trình có dàn nhạc giao hưởng quốc tế của Nga sang biểu diễn, các ngày thơ quốc tế, liên hoan xiếc quốc tế… Tôi nghĩ, chúng ta đừng nghĩ đây là những công việc hoạt động nghệ thuật mang tính chất địa phương, mà phải nghĩ Quảng Ninh là của cả nước, vì cả nước sẽ đến với Quảng Ninh trong hoạt động VHNT.
- Ông đã gợi mở làm thế nào để tính địa phương hòa nhịp được vào nhịp sống âm nhạc, VHNT cả nước rồi. Vậy còn với tình trạng thiếu vắng các tác giả trẻ trong sáng tác VHNT của Quảng Ninh thì sao?
+ Tôi nghĩ đây là tình trạng chung trong cả nước thôi. Chúng ta phải khẳng định rằng tài năng trẻ là không hiếm. Những em lứa tuổi 18, 20 còn đang là sinh viên, ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có năng khiếu về nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Vấn đề ở đây là sự thu hút, mở rộng vòng tay cho các em có những CLB để sinh hoạt, rồi tạo điều kiện về cơ sở vật chất như các sân khấu, âm thanh, có lịch sinh hoạt để các em từ là thành viên CLB trở thành những hạt nhân văn nghệ, và từ đó có những người hoạt động chuyên nghiệp như nhạc sĩ, ca sĩ.
Tôi tin tưởng rằng, đối với Quảng Ninh thì luôn có những giọng ca trẻ, giọng ca đẹp, rồi chúng ta sẽ có những nhạc sĩ trẻ tuổi viết về những đề tài ngày hôm nay mà thế hệ cha anh có khi chưa đề cập tới, như tuổi trẻ với biển đảo, tuổi trẻ với những chiến dịch xanh hóa đô thị, tuổi trẻ với vùng sâu, vùng xa… Tất cả những đề tài, chủ đề đó mà đưa vào trong âm nhạc thì chắc rằng đội ngũ ca sĩ, nhạc sĩ trẻ vừa sáng tác vừa thể hiện được.
Muốn làm được tất cả những điều đó chỉ cần chúng ta có một chính sách đúng, có kế hoạch, sự hướng dẫn, thậm chí là cả sự ủng hộ về mặt tài chính để cho lực lượng trẻ hào hứng, có cơ sở để chứng minh mình là thế hệ nối tiếp được thế hệ văn nghệ sĩ trước đây.
- Nhiều ý kiến đánh giá vẫn cho rằng, những lớp văn nghệ sĩ, những sáng tác hiện nay vẫn chưa bằng trước đây, theo ông vì sao?
+ Cũng phải nói rằng, thời điểm nào cũng có những tác phẩm tốt. Nhưng có điều là tự chúng ta phải bình tĩnh nhìn lại, đánh giá sâu sắc để ghi nhận được những bước tiến, khám phá được những sáng tạo mới. Những tác phẩm đó không phải là không có, có thể có nhưng chưa nhiều, vấn đề chính là phải khẳng định và nhân rộng được nó bằng nhiều hình thức quảng bá hiện đại hơn.
Trước đây, một bài hát có thể dễ dàng nổi tiếng bằng các lần phát liên tục trong nhiều năm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng hiện nay, một bài hát để ra với công chúng bị chèn ép bởi rất nhiều luồng thông tin, những nguồn phát âm nên nếu như chúng ta không có sự chú trọng và khẳng định được những chân giá trị, phát hiện mới thì đôi khi nó bị hòa tan mất. Đấy cũng là nguyên nhân để những tác phẩm có thể có sức sống lâu bền với công chúng lại ít thuận lợi hơn trong việc phát triển.
Nhận thức được điều đó thì lại càng thấy vai trò của những nhà lãnh đạo, những người “cầm cân nảy mực” trong đánh giá, quý trọng những người sáng tạo, đặc biệt là người trẻ và có nhiều biện pháp cụ thể mới đưa được những tác phẩm đó ra đông đảo công chúng một cách rộng rãi, có hệ thống liên tục. Có thể thông qua hội diễn của các ngành, nhà trường, cuộc thi giọng hát hay thì những tác phẩm đó sẽ được đưa vào như một yếu tố bắt buộc, lúc đó chúng ta sẽ có được những tác phẩm hiện dần lên giống như ta rửa ảnh đen trắng ngày xưa, dần dần qua những lớp thử thách thì mới hiện rõ nguyên trạng được.
- Nhạc sĩ có trao đổi với giới sáng tác Quảng Ninh về những yếu tố cần có trong mỗi sáng tác, đó là tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng, nhạc sĩ có thể nói rõ hơn không?
+ Về 3 tiêu chí được đưa ra từ Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng, nếu có nhắn nhủ văn nghệ sĩ hiện nay thì chúng ta cần bám chặt vào tính cổ truyền dân tộc, tính dân tộc phải được nâng cao lên thành ý thức dân tộc, thành lòng yêu nước, là chủ nghĩa yêu nước thì trên cơ sở đó, xúc cảm của chúng ta mới sâu và toàn diện. Còn trong thời đại 4.0 hiện nay thì một lĩnh vực nhanh, nhạy bén nhất, tiếp cận nhanh nhất là âm nhạc thì chúng ta cần cố gắng làm chủ được phương tiện sản xuất, hỗ trợ cho âm nhạc, đó chính là khoa học.
Và tính đại chúng là chúng ta nghĩ tới việc sáng tác cho ai, ai là người thưởng thức và muốn thưởng thức được những tác phẩm mới thì chúng ta phải có trách nhiệm nâng cao được kiến thức cũng như trình độ thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng lên. Lúc đó, chúng ta sẽ có được sự hậu thuẫn rất lớn là nhân dân, những người thẩm định tác phẩm của chúng ta.
Cả 3 yếu tố đó càng ngày càng có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa sinh động trong việc phát triển những tư tưởng đó trong thời đại hôm nay.
- Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có điều kiện kinh tế tương đối tốt, nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng sự đầu tư cho VHNT chưa xứng tầm, đơn cử như giá trị các giải thưởng còn khá thấp. Vậy thì nhạc sĩ có đề xuất, gợi mở gì trong vấn đề này chăng?
+ Mấu chốt là cách đặt vấn đề của tỉnh, từ đảng bộ, chính quyền cân đối giữa các lĩnh vực, trong đó có phát triển về văn hóa. Và cách nhận định, đặt vấn đề về văn hóa ngang tầm giữa chính trị, kinh tế với xã hội là việc rất nghiêm túc, đúng đắn. Vì vậy, chủ trương trao Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long 5 năm/lần là rất đúng đắn, là sự kích hoạt cho sáng tạo. Còn không cứ là chúng ta trao giải cao thì sẽ ra tác phẩm hay. Cái này còn phụ thuộc vào sáng tạo của cá nhân, nhưng trên cơ sở có những thuận lợi về mặt khách quan là sự ủng hộ của chính quyền, thì lúc đó việc sáng tạo, triển khai dàn dựng sẽ thuận lợi hơn.
Và tôi tin tưởng rằng, với chủ trương đúng đắn thì cùng với thời gian sẽ có được những tác phẩm tốt. Văn nghệ sĩ người ta không quan trọng ở giá trị giải thưởng cao hay thấp mà vấn đề chính là môi trường để tạo điều kiện cho những tác phẩm đó ra đời, hoặc là môi trường để có thể có được sự hưng phấn trong sáng tạo. Đó là công việc đi thực tế, đi tiếp xúc với thực tế lao động sản xuất, với những con người cụ thể, điển hình cụ thể. Và chính sự đãi ngộ, trân trọng đối với văn nghệ sĩ như là những nhà sáng tạo đó mới là chìa khóa để có những tác phẩm tốt.
Theo tôi nghĩ, Quảng Ninh là tỉnh đi tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực phát triển về VHNT chứ không chỉ về giải thưởng, nên tôi tin rằng trong tương lai không chỉ văn nghệ sĩ nơi đây mà văn nghệ sĩ của cả nước cũng sẽ hướng về Quảng Ninh như là một miền đất gây được rất nhiều cảm hứng, có nhiều chủ đề để gửi gắm vào trong những tác phẩm của mình.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()