Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:53 (GMT +7)
5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Chuyển biến tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng
Thứ 6, 07/04/2023 | 08:44:50 [GMT +7] A A
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh rừng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm lâm luật giảm mạnh, vốn rừng được phát huy. Đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của chủ rừng và nhân dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã ngày càng được nâng lên, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ động triển khai các giải pháp
Quảng Ninh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 68,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.213ha đất có rừng (đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước). Trong suốt quá trình phát triển, tỉnh luôn giữ vững quan điểm xuyên suốt là phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái,... đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Điều này được minh chứng qua các số liệu cụ thể từng năm. Điển hình như năm 2010, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng trên 310.000ha, với độ che phủ rừng là 46,2%; năm 2017 tổng diện tích rừng tăng lên đạt gần 337.000ha, với độ che phủ rừng là 54,4% và đến năm 2022 tổng diện tích rừng gần 340.000ha, với độ che phủ rừng là 55%. Nhìn vào số liệu trên cho thấy là trong thời gian dài, trước cả thời điểm có Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt góp phần tăng gần 27.000ha rừng trong giai đoạn 2010-2027 (tương ứng tăng thêm 8,2% độ che phủ rừng).
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh quan tâm. Nổi bật là Chỉ thị số 13-CT/TW ban hành tháng 1/2017 thì đến tháng 3/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU về triển khai thực hiện Chỉ thị. Tiếp đó, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh (Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019) và nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động khác để triển khai thực hiện.
Thống kê trong 5 năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, triển khai 19 đề án; UBND tỉnh đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật, 19 kế hoạch; các địa phương đã ban hành trên 1.000 văn bản để triển khai thực hiện. Đặc biệt, để nhân rộng những cánh rừng, nhất là rừng gỗ lớn, những năm qua tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Điển hình như Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 thông qua kết quả giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp và 13 nghị quyết liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt mới đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, trong đó đề ra mục tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% đến năm 2025...
Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, chương trình, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp được triển khai nghiêm túc, bài bản, sâu rộng, có hiệu quả, trở thành nội dung quan trọng trong thực hiện công tác năm, quý, tháng của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương. Các chương trình hành động, kế hoạch triển khai Chỉ thị đã bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình KT-XH của tỉnh.
Đổi thay toàn diện
Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: Nhờ vào chiến lược dài hơi, bài bản, tỉnh đã triển khai hoàn thành 18/18 nội dung nhiệm vụ cấp tỉnh và các nhiệm vụ cấp huyện đã được chỉ đạo trong Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Từ đó tiếp tục tạo nên những đổi thay toàn diện cho ngành lâm nghiệp Quảng Ninh, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến rõ nét, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm cả số lượng và mức độ; diện tích rừng tự nhiên được duy trì và bảo vệ tốt.
Theo đó, với sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và các chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, hiệu quả quản lý rừng được nâng lên rõ rệt, vi phạm về lâm nghiệp ngày càng được hạn chế. Từ năm 2017-2022, tỉnh đã xử lý kỷ luật 3 cá nhân là người đứng đầu vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 799 vụ vi phạm quy định về bảo vệ phát triển rừng, trong đó xử lý hành chính 784 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7,2 tỷ đồng, xử lý hình sự 15 vụ, số vụ vi phạm năm sau giảm hơn năm trước.
Trong công tác PCCCR, 100% địa phương cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ huy PCCCR hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của 963 tổ, đội PCCCR tại cơ sở với gần 9.700 người tham gia. Các địa phương đã kịp thời nắm bắt, cảnh báo phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng thông qua phần mềm phát hiện sớm cháy rừng, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, duy trì chế độ trực cháy, phát hiện sớm lửa rừng, giám sát người ra, vào các khu vực rừng dễ cháy và sự phối hợp của các lực lượng chức năng, phát huy có hiệu quả các tổ, đội phòng chống cháy rừng tại cơ sở. Với nhiều cách làm cụ thể, diện tích rừng bị cháy được hạn chế tối đa. Trong 5 năm, diện tích bị thiệt hại do cháy rừng là gần 94ha rừng trồng.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu cả nước trong việc kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng. Mỗi một dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh đều được cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan xem xét kỹ lưỡng theo nguyên tắc, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng rừng, đất rừng. Từ năm 2017 đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 235 dự án, công trình phát triển KT-XH chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích trên 3.115ha. Trong đó không có dự án chuyển mục đích sử dụng rừng để phát triển thủy điện, trồng cao su và đến nay chưa có dự án bị đình chỉ, thu hồi đất do sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thực hiện công tác giao, cho thuê rừng, tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã giao đất, giao rừng được trên 275.300ha cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh cũng quản lý chặt chẽ đất bãi triều, diện tích rừng ngập mặn. Coi quỹ đất có mặt nước biển và rừng ngập mặn là nguồn lực và tài nguyên quý hiếm để phát triển KT-XH bền vững. Đến nay, tỉnh đã trồng mới và trồng bổ sung được 560ha rừng ngập mặn, trở thành địa phương có diện tích trồng rừng ngập mặn lớn nhất khu vực phía Bắc.
Từ năm 2017-2022, tỉnh đã huy động được trên 444 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, bao gồm trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng được gần 74.000ha rừng tập trung, trồng 3,51 triệu cây trồng phân tán. Tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 3,16 triệu m3 (bằng 158% giai đoạn 2011-2016); năng suất rừng trồng toàn tỉnh đến năm 2022 đạt trên 17,8m3/ha/năm (tăng 3,4m3 so với năm 2017); diện tích trồng rừng ngập mặn lớn nhất khu vực phía Bắc; diện tích khoán bảo vệ rừng đạt 219.413 lượt ha (bình quân đạt 36.568ha/năm) gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2016.
Nổi bật hơn cả là chất lượng rừng được nâng lên đáng kể thông qua việc trồng được gần 7.600ha cây bản địa thay thế cây keo. Năm 2022 toàn tỉnh đã trồng được 2.288ha rừng lim, giổi, lát; năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 2.000ha. Hiện tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 55% (đứng thứ 15 trên cả nước). Toàn tỉnh hiện có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trên 1.718ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 337 ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh.
Những kết quả toàn diện này cho thấy những bước đi mạnh mẽ của tỉnh, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. Đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh trong công tác này, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cuối tháng 3 vừa qua: Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW và là tỉnh đầu tiên mà Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững, cùng một khối lượng lớn các văn bản có liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng chí cũng khẳng định, rừng gắn chặt với tiềm năng lợi thế cũng như yêu cầu phát triển của địa phương, bởi vậy Quảng Ninh bên cạnh sự chủ động đi đầu thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, đã có kế hoạch triển khai thực hiện theo hệ thống xuyên suốt, đưa ra được các kinh nghiệm trong quản lý và bảo vệ phát triển rừng. Những kết quả và mô hình phát triển rừng bền vững của Quảng Ninh chính là bài học kinh nghiệm quý giá để Đoàn công tác báo cáo Ban Bí thư ban hành những cơ chế, chính sách mới trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trong tình hình mới.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()