Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:36 (GMT +7)
Quảng Ninh hướng tới giải quyết TTHC “không cửa”
Thứ 5, 22/09/2022 | 09:25:29 [GMT +7] A A
Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một trong những nhiệm vụ mà tỉnh Quảng Ninh đang kiên trì và nỗ lực triển khai, nhằm đảm bảo mục tiêu hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đẩy mạnh số hóa và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết các TTHC mục tiêu đến năm 2023 Quảng Ninh sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết TTHC được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng.
UBND tỉnh đã xây dựng lộ trình số hóa, tạo lập dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống theo từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt 100% kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, để đảm bảo việc kết nối chia sẻ, kế thừa dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai một số dự án liên quan đến số hoá dữ liệu chuyên ngành, có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác giải quyết TTHC như: Dự án hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh; dự án số hoá, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương...
Đến nay, trong 5 tiêu chí lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính mà Nghị quyết số 09 đề ra, tỉnh hiện có 2 tiêu chí đạt điểm tối đa là tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin và tiêu chí về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Các trung tâm hành chính công của Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm hành chính công các cấp đã xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động; chuyển sang phương thức xử lý công việc "không giấy tờ", khai thác hiệu quả, sử dụng tất cả các chức năng của hệ thống quản lý văn bản của tỉnh, đảm bảo 100% hồ sơ công việc được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tiếp nhận, giải quyết trên môi trường mạng, trả kết quả và thanh toán trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính), mức độ 4 (tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và thanh toán qua môi trường mạng) tiếp tục được đẩy mạnh đã khiến số lượng hồ sơ TTHC nộp trực tuyến tăng mạnh. Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, hơn 229.000 hồ sơ trong tổng số 325.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến, đạt trên 70% (tăng 20% so với cùng kỳ).
Trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Từ ngày 1/6/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT&TT, Tư pháp, Y tế); từ ngày 1/7/2022 thực hiện với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Hiện 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận (trực tiếp và qua Cổng dịch vụ công) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Việc xây dựng, hoàn thiện giải pháp kho dữ liệu điện tử của các ngành, tổ chức, cá nhân của tỉnh đang được chỉ đạo xây dựng quyết liệt để có thể tái sử dụng trong quá trình giải quyết TTHC, đồng thời tích hợp, chia sẻ, liên thông với kho dữ liệu dân cư và mã định danh điện tử.
Thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, để tiếp tục nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giải quyết TTHC, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ CBCCVC làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Cùng với đó, các đơn vị cũng triển khai một số giải pháp công nghệ như: Phần mềm trợ lý ảo trong giải quyết TTHC; hệ thống phần mềm đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với cơ quan nhà nước và CBCCVC trong hoạt động giải quyết TTHC đồng bộ trong toàn tỉnh.
Hoàn thiện Hệ thống thông tin
Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã sớm được triển khai, liên thông kết nối giữa 2 hệ thống theo mô hình tập trung, đồng bộ 3 cấp chính quyền trong toàn tỉnh, hình thành duy nhất Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Hệ thống cơ bản phù hợp theo khung kiến trúc chính quyền điện tử, góp phần tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc. Đội ngũ CBCCVC của tỉnh nhờ đó cũng nâng cao nhận thức, cách thức làm việc, chuyển từ lề lối làm việc giấy tờ sang phong cách làm việc, xử lý công việc trên môi trường mạng mọi lúc, mọi nơi.
Cách thức cung cấp dịch vụ công đang dần được chuyển đổi từ phương thức trực tiếp, phân tán “nhiều cửa, nhiều khóa” đến trực tuyến, “không cửa”, từ đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp và chất lượng theo như mục tiêu đề ra tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã cung cấp được 1.831 TTHC dịch vụ công trực tuyến, trong đó 75% dịch vụ công đạt mức độ 4 (1.387 TTHC); tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt 67,7%, cấp huyện đạt 55%, cấp xã đạt 56%.
Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng chính phủ điện tử; góp phần tạo dựng vững chắc thương hiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh với thứ hạng các bộ chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu cả nước.
Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án nâng cấp Cổng dịch vụ công, phần mềm một cửa điện tử theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP và ký số trên thiết bị di động sử dụng SIM PKI theo Chỉ thị số 02/CT-TTg và giao Sở TT&TT thực hiện; dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9/2022. Khi đó, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử của tỉnh đáp ứng được 100% yêu cầu về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Đồng thời, ngay trong năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi IPv6 trong các cơ quan nhà nước, trong đó ưu tiên chuyển đổi đối với Cổng dịch vụ công của tỉnh; triển khai kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở.
Đối với hệ thống kết nối cấp Trung ương, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã được hoàn thiện, kết nối với hệ thống giải quyết TTHC của các bộ, ngành, như Cổng dịch vụ công quốc gia (Văn phòng Chính phủ), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), hệ thống hộ tịch - tư pháp (Bộ Tư pháp), hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp), hệ thống đăng ký doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT). Riêng việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), Quảng Ninh là địa phương thứ 3 (sau TP Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên) kết nối thành công với hệ thống Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp.
Đáng chú ý, các trung tâm hành chính công đã triển khai tích hợp thanh toán điện tử, biên lai điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia và nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, công dân. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 20 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là bước đột phá trong cải cách TTHC và là tiền đề cho hành trình chuyển đổi số.
Đẩy mạnh số hóa, tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC và hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đang trở thành những bước đi vững chắc trên lộ trình của Quảng Ninh tiến tới thực hiện thành công việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch cho mọi hoạt động phát triển KT-XH trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 hiện nay.
Phương Loan - Hùng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()