Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:04 (GMT +7)
Mục tiêu hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Thứ 7, 30/04/2022 | 07:11:00 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, nhất là giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Luôn “đi trước, đón đầu” tỉnh Quảng Ninh đang tích cực thực hiện các hoạt động chuyển đổi số với việc tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt và phát triển chuyển đổi số toàn diện.
Đồng bộ các hạ tầng chuyển đổi số
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh đã xây dựng được những nền tảng chiến lược quan trọng cho những bước phát triển toàn diện trong tất cả các mặt KT-XH. Đặc biệt là Quảng Ninh đã thực hiện hoạt động chuyển đổi số theo lộ trình, đáp ứng được nhu cầu của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại.
Điển hình như, thông qua trung tâm hành chính công các cấp và liên thông thủ tục đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường, Quảng Ninh đã vận hành hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung ứng 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính của tỉnh, đạt 93%. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp 1.180 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 75%. Trên 70% người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử cung cấp. Riêng trong năm 2021, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến đạt 53,5%, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: So với trước đây, việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được đơn giản hơn rất nhiều, tiết kiệm được thời gian, chi phí và giải quyết nhanh chóng qua môi trường mạng. Hồ sơ, thông tin cá nhân cũng được lưu trữ dễ dàng, an toàn bảo mật. Tôi thấy rất hài lòng với công tác cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian qua.
Cùng với xây dựng chính quyền điện tử, trong những năm qua, Quảng Ninh cũng tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án thành phần thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm - vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp, xây dựng, phát triển các dịch vụ.
Sau trung tâm điều hành thành phố thông minh cấp tỉnh, một số địa phương cũng xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm điều hành thành phố thông minh tích hợp các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như: AI, BIG DATA, IOT…Trong đó, Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP Móng Cái là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước kết nối với Trung tâm thông tin - điều hành của Chính phủ. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi, nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia).
Trong kỳ bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư, Quảng Ninh đã thiết lập Trung tâm điều hành của Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử, sử dụng phương thức kết nối trực tuyến với tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn. Qua đó, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ bầu cử trên mọi phương diện, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,95%.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh, Quảng Ninh đã thực hiện ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm soát người và phương tiện tại các điểm khai báo thông tin y tế. Qua đó thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tạo thuận lợi trong đi lại, giao thương hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, hải quan, thuế, XNK, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... cũng đạt được những thành tựu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Điển hình như toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hơn 1.400 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 89 trường học các cấp; hệ thống bệnh viện thông minh như Sản Nhi, Bãi Cháy, Đa khoa tỉnh đang được vận hành hiệu quả; việc cung cấp dịch vụ y tế từ thụ động đã dần chuyển sang hướng chủ động; công tác quản lý, khám chữa bệnh được nâng cao, giảm thời gian, chi phí cho người bệnh, nâng cao mức độ hài lòng của nhân dân…
Đặc biệt, triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ, trên cơ sở rà soát thông tin nhanh chóng, hiệu quả.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã thu thập, cập nhật, chỉnh sửa 1.448.435 dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức ký cam kết thực hiện thông báo với 100% số định danh cho công dân trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề nghị xóa công dân trùng thông tin đối với 40.697 trường hợp; cập nhật trạng thái thôi quốc tịch với 1.675 trường hợp trên hệ thống; cập nhật 131.963/184.039 trường hợp chưa có dữ liệu CMND 9 số trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 71,7%; lực lượng công an toàn tỉnh đã thu nhận 1.097.444 hồ sơ cấp CCCD, đã hoàn thiện 1.073.202 hồ sơ thu nhận truyền lên C06, đạt 97,79% và đã nhận 910.645 thẻ CCCD từ C06, đã trả cho công dân 909.827, đạt 99,91%...
Như vậy, đến nay việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… đã đóng góp quan trọng vào công tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Hơn thế nữa, đây cũng là tiền đề mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước trong thời buổi tiến lên hiện đại hóa. Minh chứng rõ nét nhất là trong 4 năm liên tiếp từ năm 2017, Quảng Ninh giữ vững ngôi vị dẫn đầu toàn quốc trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) 2 năm liên tục dẫn đầu toàn quốc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2020 cũng dẫn đầu cả nước. Năm 2020, Quảng Ninh cũng đứng thứ 4 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI). Trong đó Chỉ số đánh giá về chính quyền số đứng thứ 5; kinh tế số đứng thứ 14 và Chỉ số xã hội số đứng thứ 3 toàn quốc.
“Kim chỉ nam” hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chính quyền số tại Quảng Ninh đang có nhiều thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng được việc chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh; hạ tầng CNTT, viễn thông có mặt còn bất cập, thiếu đồng bộ; các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung…
Trước thực tế đó, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Đối với chính quyền số, tỉnh đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết TTHC được ký số và trả cho người dân trên môi trường số... Phấn đấu đến năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp từ tỉnh đến xã và liên thông với Trung ương. Và đặc biệt là hoàn thành hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh trong năm 2024...
Trong phát triển xã hội số, tỉnh xác định đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% người dân, gia đình có định danh số và địa chỉ số; 100% trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%...
Ngay sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU được ban hành, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt đến toàn thể CBCCVC-NLĐ. Cùng với đó, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các tập đoàn công nghệ - viễn thông hàng đầu Việt Nam là FPT, VNPT và Viettel.
Việc ban hành nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện sẽ là “kim chỉ nam”, để các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin với những giải pháp mới, đột phá, bền vững hơn, góp phần mang lại nhiều thành tựu phát triển KT-XH, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Minh Đức
- Phải có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi số
- Chuyển đổi số ở đảo ngọc Cô Tô
- Hội nghị Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp
- Chuyển đổi số - Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững du lịch
- Kiểm điểm tiến độ thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh
- Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()