Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:28 (GMT +7)
Quảng Ninh "hồi sinh"
Thứ 3, 08/10/2024 | 05:25:24 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 tàn phá và để lại hậu quả nặng nề chưa từng có cho Quảng Ninh với ước tính thiệt hại trên 24.000 tỷ đồng. Thế nhưng, 1 tháng sau khi bão đi qua, người ta dễ dàng nhận thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của một Vùng mỏ anh hùng. Đây là động lực quan trọng để Quảng Ninh vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất, tái thiết kinh tế.
Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp
Chỉ 3 ngày sau khi bão tan, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND về việc cấp bổ sung mục tiêu cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh với số tiền là 180 tỷ đồng. Đây là kinh phí bổ sung để các địa phương sử dụng cùng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác kịp thời khắc phục hậu quả mưa bão.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ cho biết: Ngay sau được phân bổ ngân sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại cơn bão số 3, huyện đã ban hành quyết định chi nguồn hỗ trợ trên. Trong đó, phần lớn nguồn hỗ trợ được phân bổ cho các trường cải tạo, sửa chữa, vệ sinh lại khu vực trường lớp bị hư hỏng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học cho học sinh với số tiền là trên 4 tỷ đồng và các xã bị thiệt hại nặng nề với số tiền trên 4,1 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này được địa phương phân bổ kịp thời, minh bạch, công bằng.
Với tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng, bài bản, tỉnh đã nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một số chính sách khẩn cấp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Tại Kỳ họp thứ 21 diễn ra ngày 23/9, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết cấp bách quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trong đó có chính sách hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025); hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh bị chìm do cơn bão số 3; sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh...
Bà Vũ Thị Nữ (thôn 9, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên) chia sẻ: Cơn bão vừa qua khiến căn nhà cấp 4 của tôi được xây dựng từ năm 1981 đổ sập. Sau bão, tôi sống tạm trong bếp nhưng căn bếp đã dột nát, chật hẹp, xuống cấp, nên không khỏi lo lắng mỗi đêm. Đồ đạc thì phải để ngoài sân dầm mưa, dãi nắng, hỏng hóc hết. Vì vậy, được tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại nhà ở do ảnh hưởng của bão số 3, tôi mừng lắm. Với số tiền được hỗ trợ, tôi sẽ vay mượn thêm để xây lại căn nhà kiên cố, khang trang.
Chủ tịch MTTQ xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) Bùi Thị Hải Yến cho biết: Xã Hiệp Hòa có số lượng hộ dân bị sập đổ nhà hoàn toàn hoặc tốc mái không thể ở được lớn nhất trên địa bàn TX Quảng Yên (16 hộ). Trong đó, phần lớn là các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc đối tượng chính sách. Vì vậy, kinh phí hỗ trợ của tỉnh cùng với nguồn lực xã hội và nhà hảo tâm sẽ giúp người dân trên địa bàn sớm được xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn.
Xác định khôi phục sản xuất là then chốt để người dân sớm ổn định cuộc sống, vì vậy tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ.
Trong đó, Vân Đồn là địa phương có số lượng lớn nhất các cơ sở, người dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn (hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn). Ngoài ra, 2.000 ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống cũng bị mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính đối với cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là trên 2.300 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ các cơ sở và người dân, tỉnh và huyện Vân Đồn đã tổ chức 4 hội nghị, tiếp xúc tháo gỡ khó khăn.
Đến ngày 30/9, UBND huyện đã giao xong vị trí, tọa độ, mốc giới, diện tích khu vực biển cho gần 600 hộ gia đình của 50 HTX, với diện tích 4.553 ha, tăng 118% so với trước khi có bão số 3. Trên cơ sở đó, huyện đã trao quyết định giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho 5 hộ gia đình nuôi cá biển trong ô lồng trên địa bàn thị trấn Cái Rồng với diện tổng diện tích 2,5 ha. Huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc giao mặt nước nuôi trồng cho các hộ dân thời gian tới.
Nội lực được phát huy
Với sự đồng hành của tỉnh, nội lực của mỗi vùng đất, cùng nỗ lực của mỗi người dân, doanh nghiệp, nhịp sản xuất đang từng bước trở lại ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong bức tranh “hồi sinh” đó chính là ý chí quyết tâm “đứng lên” của người dân và doanh nghiệp.
Từ những vùng “biển trắng” không còn gì sau bão, đến nay, nhiều khu vực là trọng điểm của nuôi biển trên địa bàn tỉnh như Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên đang hối hả khôi phục sản xuất.
Chị Ngô Thị Thúy (khu Thống Nhất 2, phường Tân An, TX Quảng Yên) chia sẻ: Nhìn 10ha nuôi cá và toàn bộ bè, mảng, thuyền của gia đình bị hư hỏng, tôi như chết lặng bởi công sức bao nhiêu năm gây dựng đều mất hết. Thế nhưng, còn người là còn của, tôi tự động viên tinh thần, trấn an bản thân để đưa ra kế hoạch mới. Sau khi thu dọn xong lồng, bè, vật nuôi, tôi đã vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng. Bằng số tiền này, tôi làm lại toàn bộ bè mảng, thả 1 vạn cá giống, mua thức ăn cho cá. Mặc dù, thời điểm này không phải là mùa thả cá giống, song tôi vẫn tranh thủ thời gian khôi phục sản xuất.
Anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, cho biết: Sau 24 năm gây dựng vất vả, thì chỉ một cơn bão, công ty đã bị thiệt hại lên tới 70 tỷ đồng. Khó khăn chồng chất khó khăn bởi thiên tai đến là điều không ai mong muốn và cuộc sống mưu sinh vẫn phải tiếp tục. Thêm vào đó, công ty còn hàng chục lao động đã gắn bó lâu dài. Vì thế, dù có khó khăn chúng tôi vẫn phải tiếp tục khởi nghiệp, làm lại từ đầu, sớm khôi phục sản xuất. Nhiều ngày qua, công nhân trong công ty đã tích cực khắc phục hệ thống điện, nhà xưởng, ao nuôi… để có thể thả giống tôm trong thời gian sớm nhất. Hy vọng công ty sẽ sớm ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Không riêng ở lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, nhiều ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp, xây dựng, du lịch… đã từng bước khôi phục sản xuất, duy trì nhịp độ ổn định, tăng tốc thực hiện kế hoạch năm.
Điển hình như ngành du lịch, nhanh chóng gượng dậy sau thiên tai, các cơ sở, doanh nghiệp đã chủ động phương án khắc phục, phân vùng khu vực cần sửa chữa, gia cố. Đồng thời đảm bảo an toàn tại những khu vực không bị ảnh hưởng để đón tiếp khách bình thường, tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm, thu hút du khách.
Chị Bùi Minh Châm, Tổng Giám đốc Khách sạn Paddington Halong Bayview chia sẻ: Chúng tôi bị thiệt hại cũng rất lớn sau bão số 3. Hiện một số khu vực của khách sạn đang tiếp tục được khắc phục. Song thiên tai là điều không ai mong muốn, chúng tôi xác định phải chủ động, không để bị gián đoạn dịch vụ, giữ chân những đoàn khách đã đặt trước. Vì vậy, khách sạn đã sớm đón khách trở lại ngay sau bão. Hiện công suất phòng của khách sạn đạt 60-70%. Thị trường khách chủ yếu của khách sạn là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Chị Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch T&Y Group (T&Y Group) chia sẻ: Thiệt hại lớn nhất của công ty là Trung tâm tiệc cưới The One Palace với sức chứa lên tới gần 1.000 khách nay chỉ còn là đống đổ nát. Sau bão, chúng tôi phải đàm phán với đối tác và khách hàng về việc cung ứng dịch vụ tổ chức tiệc cưới để giữ uy tín. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục khu vực bếp, hội trường, trần… của nhà hàng Green để đảm bảo cơ sở vật chất đón các đoàn khách có chất lượng tốt nhất. Hiện chúng tôi đang xây dựng lại toàn bộ trung tâm tiệc cưới, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 11. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tìm cách cải tiến các dịch vụ của mình để phục vụ tốt nhất trong thời gian tới.
Bằng nỗ lực của cơ sở và doanh nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, song 9 tháng qua, Quảng Ninh đã đón 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong 15,6 triệu lượt khách đến Quảng Ninh, có gần 2,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Úc, Anh, Đức, Nhật…
Sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để khôi phục lại hoàn toàn sau những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Song với sự đồng hành của tỉnh, nỗ lực của mỗi con người Vùng mỏ, cùng những chính sách kịp thời, Quảng Ninh sẽ tiếp tục bứt phá, duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Hạ An - Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()