Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:20 (GMT +7)
Quảng Ninh - Hành trình vươn cao
Thứ 2, 17/05/2021 | 11:04:34 [GMT +7] A A
Quảng Ninh một thời từng được mặc định là vùng đất của công nghiệp mỏ, gắn liền với bụi than, khói và nhịp sống hối hả của bao lớp thợ cần lao. Dưới bàn tay kiến tạo và thực thi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cùng doanh nghiệp trên địa bàn, dấu ấn rõ nét nhất của Quảng Ninh là nền kinh tế chuyển đổi từ “nâu" sang "xanh”; hệ thống hạ tầng hiện đại và khoảng cách nông thôn - thành thị được rút ngắn. Tất cả khiến Quảng Ninh trở thành vùng đất tươi đẹp, phát triển năng động và hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, dư địa phát triển ngày càng rộng mở, tạo nền tảng cho thế hệ tương lai tỏa sáng.
Quyết sách táo bạo
Nằm ở vị trí địa đầu Tổ quốc, giáp biên với nước bạn trên cả đường bộ và đường biển; là cái nôi của tầng lớp công nhân mỏ với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”… điều đó phần nào hun đúc bao lớp người con Quảng Ninh tinh thần khẳng khái, quyết liệt, quyết đoán… Chính vì vậy, không lạ khi nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp Quảng Ninh luôn kế thừa thành công, đưa ra thực thi những quyết sách táo bạo, tiên phong, tạo nên những kỳ tích.
Thực tế từ nhiều năm trước, khi hầu hết công trình quốc gia được đầu tư đều từ ngân sách trung ương thì Quảng Ninh đã bỏ tiền ngân sách tỉnh để làm quốc lộ. Cách đây gần 10 năm, Quảng Ninh đã sử dụng tư vấn quốc tế làm quy hoạch; cải cách hành chính mạnh mẽ khi tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước.
Từ năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đầu tiên dùng ngân sách tỉnh và huy động nguồn lực doanh nghiệp làm đường cao tốc; tỉnh đầu tiên có cảng hàng không và cảng tàu khách chuyên biệt tư nhân; đang tích cực triển khai tuyến đường cao tốc chạy dọc tỉnh; tuyến đường tốc độ cao nối trục giao thông của Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên với tuyến cao tốc quốc gia…
Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm Quảng Ninh huy động hàng chục nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, chủ yếu là hạ tầng giao thông, trong đó vốn của doanh nghiệp chiếm đến 80%.
Tư duy mở, sự nhất quán và quyết tâm cao độ đã giúp Quảng Ninh thực hiện thắng lợi 3 đột phá chiến lược: Xây dựng bài bản các quy hoạch chiếc lược, nền hành chính thông thoáng, hạ tầng giao thông thuận lợi... Đây là tiền đề để Quảng Ninh nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng đầu bảng xếp hạng PCI trong nhiều năm liên tục, đồng thời trở thành "thỏi nam châm" hút nhà đầu tư. Thực tế trong vài năm qua, Quảng Ninh đã ở thế lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư. Hiện cứ 1 đồng vốn ngân sách Quảng Ninh thu hút được hơn 10 đồng vốn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được dung dưỡng, Quảng Ninh thêm phần tạo dựng và phát triển nguồn thu, mang lại tổng thu ngân sách kỷ lục, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng của Quảng Ninh luôn đạt 2 con số, tổng thu ngân sách luôn ở mức hơn 40.000 tỷ đồng.
Cùng với phát huy, phát triển doanh nghiệp, giải pháp xây dựng nông thôn mới toàn diện, chương trình kinh tế OCOP, đề án 196… cũng là những quyết sách táo bạo tạo nên kỳ tích cho Quảng Ninh. Các chương trình trên không chỉ mang đến hạ tầng, dự án phát triển sản xuất, thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… mà quan trọng hơn là xóa bỏ thói quen trông chờ, ỷ lại, để vươn lên làm giàu của người dân, trở thành làn gió mới, thổi bùng cơ hội và khát vọng phát triển ở những thôn quê.
Đến nay Quảng Ninh có 7/13 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 91/98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Từ những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên ở Ba Chẽ năm 2018, nơi nghèo nhất tỉnh, đã trở thành nguồn năng lượng tích cực, phong trào thi đua lan tỏa ra các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, tạo đột phá trong công tác giảm nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh đã xuống dưới 1% dân số.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng phải bền vững, Quảng Ninh sớm đặt mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, giảm phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn, tăng khai thác tài nguyên vô hạn, trong đó lấy dịch vụ, du lịch làm đầu; giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất than và hoạt động du lịch…
Nhiệm kỳ gần đây nhất, ngành Than tập trung giải bài toán mà tỉnh đặt ra là tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Có thể thấy việc giảm diện khai thác; đóng cửa mỏ than lộ thiên; xanh hóa các bãi thải mỏ; chuyển khai trường than ra khỏi vùng dân cư, đô thị; ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư các lò giếng đứng… là những hành động cụ thể của ngành Than trong mục tiêu “xanh hóa” nền kinh tế của tỉnh, cũng là sự chuyển mình mang tính cách mạng của ngành Than.
Toàn tỉnh có 15 mỏ than lộ thiên lớn, thì hiện đã đóng cửa 3 mỏ; 4 mỏ khác đang thực hiện các khâu cuối để đóng cửa vào cuối năm 2021; 8 mỏ còn lại đều đã giảm sản lượng khai thác xuống dưới công suất thiết kế hoặc đóng cửa một phần, chuẩn bị đóng cửa hoàn toàn theo lộ trình.
Trên khắp các khai trường than hôm nay, đâu đâu cũng thấy công nghệ chống vì thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành… thay cho chống gỗ; băng tải thay thế ô tô vận chuyển than; công nghệ nano thay thế cho vôi bột, hóa chất trong xử lý nước thải mỏ; lò giếng đứng thay cho mỏ lộ thiên và các mỏ công nghệ cũ…
Từ những mét lò giếng đứng được mở đầu tiên tại Công ty Than Hà Lầm, đến thời điểm này ngành Than tại Quảng Ninh đã có những lò giếng đứng ở mức -350m. Các bãi thải mỏ Hà Khánh, Cao Sơn từng như những tiểu sa mạc trong lòng đô thị, nay được trồng cây, góp phần đưa tổng diện tích bãi thải được trồng cây hoàn nguyên của ngành Than đạt gần 2.000ha…
Cùng với ngành Than, các quyết sách mạnh tay của Quảng Ninh trong thời gian qua đều nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của mình. Tỉnh ngừng cấp phép các dự án khai thác vật liệu xây dựng; chỉ xem xét phê duyệt các dự án đầu tư về điện, xi măng phù hợp chiến lược phát triển của tỉnh; kiên quyết từ chối các dự án tăng trưởng nóng; đưa các cơ sở công nghiệp ra khỏi đô thị. Tài nguyên rừng, biển Quảng Ninh được phát huy trên cơ sở nền tảng là bảo vệ, gìn giữ, làm giàu rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Việc mở rộng TP Hạ Long trên cơ sở sáp nhập huyện Hoành Bồ vào không chỉ mang lại dư địa phát triển rộng mở, tạo thế và lực cho Hạ Long lên tầm cao mới, tạo hạt nhân phát triển cho tỉnh, mà còn là một bước quy hoạch lại, dần đưa các hoạt động sản xuất công nghiệp nặng ra khỏi vùng đô thị. Động thái mới đây nhất Quảng Ninh chính thức đề xuất Trung ương đưa 2 nhà máy xi măng tại Hoành Bồ ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, tạo tiền đề tiến tới chuyển đổi, di dời 2 đơn vị sản xuất công nghiệp nặng này ra khỏi đô thị.
Trên cơ sở các hoạt động công nghiệp nặng được hạn chế, cộng với nhiều chính sách kích cầu mà Quảng Ninh ưu tiên dành cho, lĩnh vực kinh tế dịch vụ, du lịch, cảng biển thời gian qua đã tạo được mức tăng trưởng đột phá về giá trị, tỷ trọng, dần chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Riêng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh gấp từ 10-14 lần dân số tỉnh, lượng khách quốc tế tại Quảng Ninh bằng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Kết quả ấn tượng của ngành du lịch Quảng Ninh cũng cho thấy giá trị của di sản Vịnh Hạ Long đã được phát huy. Các điểm du lịch biển, văn hóa, tâm linh như Yên Tử, di tích nhà Trần tại Đông Triều, đền Cửa Ông, Cô Tô, Quan Lạn, Trà Cổ… mới lạ và hiện đại, gắn với nhiều sản phẩm dịch vụ cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng thị hiếu du khách. Chuyển động đáng mừng của du lịch đã khiến cơ cấu ngành dịch vụ toàn tỉnh tăng ở mức nhảy vọt, hiện đạt ở mức 43,5%, trong khi đó cơ cấu công nghiệp từ chỗ chiếm vị thế chủ đạo hiện xuống còn 50,4%, nông nghiệp chiếm 6,1%.
Quảng Ninh hôm nay thật sự tươi đẹp, chất lượng sống của người dân được nâng lên, dư địa phát triển rộng mở. Một Quảng Ninh năng động và hiện đại, phát triển đa diện, đa cực, bền vững giàu mạnh đang hiển hiện. Những kết quả trên đem đến niềm tự hào, bởi đó là thành quả mang dấu ấn của trí tuệ, của bản lĩnh kiến tạo, thực thi quyết liệt và hiệu quả đã được kế thừa rất thành công của các thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc, cùng cộng đồng doanh nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()