Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Quảng Ninh - Hải Phòng và 4 cửa ngõ đường bộ kết nối
Thứ 7, 18/02/2023 | 12:56:17 [GMT +7] A A
Quảng Ninh - Hải Phòng 2 địa phương giáp ranh, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có nhiều điểm chung, sở hữu tiềm năng, lợi thế tương hỗ. Tuy nhiên sự cách trở của hệ thống sông Đá Bạch nằm giữa 2 tỉnh đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thông thương. Nhằm phá vỡ “rào cản” này, 2 tỉnh đã có nhiều chương trình hợp tác cụ thể, thông qua việc tăng cường liên kết vùng.
Quảng Ninh - Hải Phòng trước năm 2018 được kết nối với nhau bằng tuyến giao thông đường bộ độc đạo là Quốc lộ 10 cùng 2 tuyến phà là Rừng và Lại Xuân. Tuy nhiên tuyến này chỉ có 2 làn xe trong khi lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, để di chuyển từ Hạ Long hay Đông Triều đến Hải Phòng trên quãng đường khoảng 70km mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Trong khi đó, 2 tuyến phà là Rừng và Lại Xuân cũng tốn thời gian không kém. Vì thế chưa phát huy tốt hiệu quả lợi thế của 2 địa phương.
Cuối năm 2018 khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác, việc kết nối giữa Quảng Ninh - Hải Phòng đã được cải thiện đáng kể, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa 2 khu vực. Có điều, theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, cùng với TP Uông Bí, khu vực phía Tây Quảng Ninh sẽ có thêm 2 thành phố là Đông Triều và Quảng Yên. Trong khi bên kia bờ sông, huyện Thủy Nguyên cũng đang hoàn thiện hồ sơ thành lập thành phố Thủy Nguyên theo mô hình thành phố trong thành phố. Như vậy, dù chỉ cách bởi một con sông, nhưng thời gian và quãng đường di chuyển các địa phương phía Tây của Quảng Ninh với Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn là khá khó khăn. Và điều này càng cản trở khi đây đang được xác định là 2 khu vực trọng điểm về tăng trưởng kinh tế với các KCN, CCN, chuỗi đô thị đang hình thành rất nhanh.
Nhằm đón đầu cơ hội phát triển mới, xác định rõ nhiệm vụ liên kết hợp tác, liên kết vùng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, cụ thể hóa các chương trình hợp tác giữa BTV Tỉnh uỷ Quảng Ninh và BTV Thành uỷ Hải Phòng, tháng 5/2022, hành lang đường bộ thứ 3 của Quảng Ninh - Hải Phòng là dự án Cầu Bến Rừng nối TX Quảng Yên với huyện Thủy Nguyên qua sông Đá Bạch đã được đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, cầu Bến Rừng có chiều dài 1.865,3m, rộng 21,5m, cầu chính gồm 4 nhịp... Đến nay, công trình đã thi công đạt trên 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Để kết nối Đông Triều với Thủy Nguyên, đầu tháng 2 vừa qua, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục khởi công dự án hành lang đường bộ thứ 4 là Lại Xuân với chiều dài cầu 840m, rộng 12m và đường dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 20 tháng, xong trong năm 2024. Hiện Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án Đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều và sẽ đấu nối vào các hành lang giao thông này, phối hợp với tỉnh Hải Dương để nối dài tới TP Chí Linh.
Như vậy theo kế hoạch, đến năm 2024 Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ có 4 hành lang giao thông đường bộ, kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề; góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN và chuỗi đô thị đang hình thành; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch.
Cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, trong cung ứng nguồn nhân lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương, nhất là nhân dân các huyện, thị xã nơi dự án đi qua; thúc đẩy phát triển cân bằng giữa 2 vùng; nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hành động của Chính phủ.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()