Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:47 (GMT +7)
Đột phá hạ tầng giao thông để phát triển bền vững
Thứ 7, 15/07/2023 | 08:05:43 [GMT +7] A A
Cuối năm 2022, Quảng Ninh đưa cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác, hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh, nối địa đầu Tổ quốc TP Móng Cái với Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là thời điểm, Quảng Ninh chính thức sở hữu đa dạng hóa loại hình giao thông đồng bộ khi có cả sân bay, cảng tàu quốc tế và cao tốc dọc tỉnh, trở thành tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhất cả nước.
Không ngừng nối dài “mạch máu” giao thông
Nhiệm kỳ 2020-2025 là dấu ấn quan trọng đối với người dân Quảng Ninh bởi không chỉ tỉnh tròn 60 tuổi mà còn là giai đoạn tỉnh hoàn thành đồng bộ hạ tầng giao thông sau gần 8 năm nỗ lực, trở thành tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhất cả nước, một kỷ lục mới của ngành GTVT.
Nhìn lại giai đoạn đầu thế kỷ 21, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được trung ương xác định là một đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc. Tuy nhiên với những người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh thời kỳ đó đều biết rằng, hạ tầng giao thông Quảng Ninh khá đơn điệu và sơ sài. Quảng Ninh dù là một đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc, song lại nằm xa thủ đô Hà Nội, vì thế chưa phải là địa phương ưu tiên đầu tư của trung ương. Điều này đã kìm kẹp, hạn chế cơ hội phát triển của tỉnh dù sở hữu nhiều tiềm năng bậc nhất cả nước.
Tư tưởng “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, đã có trong tư duy, mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Song để có được “giao thông tốt”, giao thông đi trước mở đường trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp đã buộc Quảng Ninh phải tìm tòi con đường đi riêng cho mình bằng những ý tưởng táo bạo, riêng có, dùng đầu tư công như vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội hướng tới mục tiêu phát triển.
Nghĩ và làm trong thời gian rất ngắn, năm 2012, tỉnh mạnh dạn đề xuất với Chính phủ tự làm đường cao tốc, sân bay quốc tế và cảng biển chuyên dụng với những lý lẽ thuyết phục, chứng minh nguồn tài chính và đã được Chính phủ chấp thuận. Một tiền lệ chưa từng có trong ngành GT-VT Việt Nam khi đây là hạng mục công trình do Chính phủ đầu tư.
Năm 2014 khởi động cho chuỗi các dự án giao thông động lực, trọng điểm được bắt đầu là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - cao tốc đường bộ đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng. Và chỉ sau đó 2 năm, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách chuyên biệt Hạ Long đại diện cho cánh cửa bầu trời và cánh cửa đại dương thuộc loại hình giao thông đường hàng không và đường biển kết nối thẳng với thế giới cũng được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp, kết nối liên thông tổng thể cùng trục cao tốc đường bộ.
Trong quá trình triển khai đầu tư, tỉnh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ tìm kiếm nguồn vốn đến kỹ thuật thiết kế rồi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả biến động... Tuy nhiên những trở ngại đã được tỉnh từng bước giải quyết hiệu quả.
Ngày 1/9/2022, trong không khí cả nước đang nỗ lực thi đua, lập thành tích, chào mừng 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Quảng Ninh đã tổ chức khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, chính thức hoàn thành cả 3 cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực và thế giới sau 8 năm nỗ lực. Điều ấn tượng, các dự án được Quảng Ninh đưa vào khai thác đã sớm phát huy hiệu quả sau đầu tư khi lượng khách du lịch đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái tăng kỷ lục vào thời điểm cao tốc hoàn thành, những chuyến bay quốc tế đến Quảng Ninh chỉ sau 5 tháng đưa vào khai thác và cảng tàu khách Hạ Long là nơi hội ngộ của những chuyến tàu du lịch đẳng cấp nhất thế giới.
Các dự án giao thông động lực hoàn thành ngay trong nửa nhiệm kỳ này, đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển. Các công trình có sự kết nối, gắn kết đến các trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của tỉnh, tạo thành chuỗi kết nối tổng thể, liền mạch, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực, tạo nên một Quảng Ninh thịnh vượng, cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc Việt Nam.
Trung tâm liên kết vùng
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh”. Điều mà đồng chí Tổng Bí thư trăn trở đã được Quảng Ninh xác định rất rõ ngay trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đó là: Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Chưa đầy 2 năm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quảng Ninh đã hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh với chiều dài 176km, nối liền cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, tạo thành trục cao tốc liên thông Lào Cai - Hà Nội - Móng Cái dài gần 600km, chiếm 60% tổng số km đường cao tốc Việt Nam, là hạ tầng giao thông liên kết tốt nhất phía Bắc thời điểm đó. Song song với việc hoàn thành tuyến giao thông trục chính là cao tốc, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông kết nối khác để hình thành chuỗi liên kết vùng như đường nối Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng... là những công trình hình thành trên cơ sở hợp tác, phối hợp cùng đầu tư để lan tỏa lợi ích. Quảng Ninh sẵn sàng chia sẻ sân bay và cảng biển với Lạng Sơn, Bắc Giang bằng những tuyến đường kết nối mới, chia sẻ cao tốc với vùng đồng bằng sông Hồng để đến thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc nhanh hơn. Những công trình của Quảng Ninh là điều kiện, tiền đề để Chính phủ kiến tạo lên hành lang giao thông động lực phía Bắc bằng liên kết trục cao tốc phía Đông.
Cụ thể, tháng 7/2022, 4 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km, trong đó Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km. Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt KCN, các đô thị... nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng.
Chuỗi liên kết này sẽ giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời, trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của vùng và quốc gia; tham gia trực tiếp vào tuyến đường cao tốc ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế Bắc Bộ, kết nối giao thương ASEAN với nước bạn Trung Quốc.
Lợi thế được cộng hưởng khi hạ tầng giao thông phát triển, trong đó Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương và cũng là dấu ấn quan trọng của nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()