Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:26 (GMT +7)
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Chủ nhật, 01/05/2022 | 08:29:37 [GMT +7] A A
Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, lấy đây làm tiền đề để thực hiện công cuộc đổi mới. Tỉnh ủy đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, kế hoạch, đề án, biện pháp để thực hiện xây dựng Đảng, hệ thống chính trị theo từng thời kỳ phát triển KT-XH. Trong đó đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thông qua nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Với Quảng Ninh, trong quá trình phát triển, Đảng bộ tỉnh luôn xác định tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu khách quan, quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.
Để thực hiện công tác xây dựng Đảng, trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đều tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố Đảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng. Cùng với đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; thực hiện chiến lược cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Trong giai đoạn 2001-2010, từ chủ trương và tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành, địa phương đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức của cơ quan, đơn vị, phân công lại cán bộ phụ trách từng công việc, bảo đảm sự điều hành, thống nhất trong cơ quan; gắn việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, phân cấp quản lý với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Đặc biệt, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện cải cách hành chính của tỉnh, thực hiện cơ chế “một cửa” đối với các ngành thuộc tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo thực hiện cơ chế “một cửa” ở các xã, phường, thị trấn.
Trên tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; quy định số lượng, tên gọi đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan chuyên môn cấp huyện cũng tương ứng với các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh. Tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, thống nhất theo cấp bậc hành chính lãnh thổ, bảo đảm cho hệ thống hành chính nhà nước được thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Tỉnh xác định cải cách hành chính là một trong những công cụ quan trọng tác động tích cực tới việc phát triển KT-XH. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 19-NQ/TU với mục đích đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng tổ chức, bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, trùng chéo, nhiều tầng nấc trung gian, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ CBCC có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm...
Tiếp tục tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI, XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, các Kết luận số 63, 64 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức Đảng phù hợp với yêu cầu đổi mới của địa phương, đơn vị; gắn xây dựng Đảng với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở vững mạnh...
Năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị với nhiều mô hình mới mang tính đột phá.
Quảng Ninh tiến hành hợp nhất các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, hay có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hay một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Quảng Ninh đi tiên phong trong việc kiện toàn hợp lý tổ chức, bộ máy nhà nước, trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh; tách cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp; thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ công, chú trọng quản trị phát triển địa phương.
Cụ thể là thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện ở 13 địa phương, liên kết đến cấp xã, gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử. Yêu cầu phục vụ của các trung tâm là: Tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt các thủ tục hành chính bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đến nay, hơn 95% số thủ tục hành chính được thực hiện trực tiếp tại các trung tâm hành chính công; 99,5% số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, cắt giảm 40% số thời gian giải quyết so với quy định. Theo kết quả điều tra, hơn 98% người dân và doanh nghiệp được hỏi có ý kiến hài lòng với cách thức phục vụ của các trung tâm hành chính công.
Quảng Ninh cũng chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Là địa phương duy nhất trong cả nước đề xuất và triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích (nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long); sắp xếp giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; khẩn trương hoàn thiện bộ máy ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837-NQ/UBTVQH ngày 17/12/2019.
Tỉnh cũng mạnh dạn thí điểm nhiều mô hình mới; lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và khối dân vận xã, phường, thị trấn; hợp nhất 100% cơ quan Ủy ban kiểm tra - Thanh tra và cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp huyện; thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các trường có cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Là tỉnh đầu tiên thành lập Đảng bộ Cục Thuế trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành thuế; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp...
Tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu lại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, chuyển đổi mô hình; sắp xếp các cơ sở đào tạo, đơn vị sự nghiệp y tế phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến năm 2021, tỉnh giảm 48 đơn vị sự nghiệp, chiếm 18%; số đơn vị tự chủ kinh phí 10-100% từ 103 đơn vị (trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW) được nâng lên 142 đơn vị (85 đơn vị tự chủ 100%, 57 đơn vị tự chủ 10-90%) tổng kinh phí tiết kiệm do giao tự chủ là 38,3 tỷ đồng. Tỉnh cũng quyết liệt tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC-NLĐ, năm 2021 toàn tỉnh đã tinh giản biên chế công chức và người làm việc đạt 10% so với năm 2015; bảo đảm không vượt tổng biên chế Trung ương giao, hoặc thẩm định.
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 10/3/2017 thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/7/2013 về một số nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 16/1/2015, Kế hoạch số 84-KH/TU ngày 4/11/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 04-QĐ/TU về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa đối với cán bộ đảng viên và hằng năm ban hành nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ theo chủ đề cụ thể.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhiều cấp ủy trực thuộc tỉnh đã xây dựng, ban hành các đề án, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng Đảng, đội ngũ đảng viên và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cho nhiệm kỳ mới, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Điển hình là TP Hạ Long ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 31/12/2020 về sắp xếp các tổ chức, cơ sở đảng, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn; TP Cẩm Phả ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 2/7/2021 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; tiêu chí chấm điểm đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ...
Để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các tổ chức cơ sở đảng ở Quảng Ninh đã nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, chi ủy, nhất là đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh; thống nhất nhiệm kỳ bầu trưởng thôn với đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 28/12/2016 về thống nhất nhiệm kỳ bầu trưởng thôn với đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, chỉ đạo thực hiện 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ thôn, bản, khu phố trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tăng cường cán bộ BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị và làm phó bí thư đảng ủy xã, phường biên giới, biển đảo trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức và hình thức sinh hoạt chi bộ bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của từng loại hình chi bộ; thực hiện tốt quy định về sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; phân công cấp ủy viên và cán bộ các ban xây dựng Đảng thường xuyên về dự sinh hoạt với các chi bộ để theo dõi, giúp đỡ khắc phục những khó khăn, hạn chế; kịp thời lãnh đạo, định hướng hoạt động, giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, giúp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Song song với đó, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện đổi mới, mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử. Cụ thể, đã mạnh dạn triển khai thực hiện chủ trương thí điểm trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cơ sở; bầu bí thư tại đại hội cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt, được sự đồng tình, ủng hộ của đại biểu dự đại hội; sự đồng thuận của dư luận, quần chúng nhân dân.
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 có 355/450 (đạt 79%) đảng bộ cơ sở thực hiện chủ trương trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; có 17/20 (đạt 85%) đảng bộ cấp huyện thực hiện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại đại hội; nhiệm kỳ 2020-2025 có 408/408 (đạt 100%) đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 tại đại hội (trừ các đảng bộ quân sự địa phương); 100% bí thư cấp ủy bầu trực tiếp tại đại hội và đều có số phiếu bầu đạt tỷ lệ cao, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đạt 100% phiếu bầu.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị (Chỉ thị số 06 khóa X, Chỉ thị số 03 khóa XI, Chỉ thị số 05 khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng chú trọng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và chương trình công tác hằng năm, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức quán triệt học tập chuyên đề và đăng ký làm theo Bác, xây dựng và nhân rộng các mô hình học và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội...
Thông qua việc thực hiện học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đã tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Các cấp uỷ đảng đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến rõ nét; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ được nâng lên.
Qua đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm, số lượng cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được đổi mới, đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua kiểm tra, giám sát đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Thực tế những năm qua cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Quảng Ninh đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, gắn với xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Đặc biệt đã tạo đà cho KT-XH của tỉnh có những bước phát triển đột phá (tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 10,7%), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt (GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 7.614 USD, tăng trên 9% so với cùng kỳ); chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Vị thế, uy tín của tỉnh được nâng cao (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số cải cách hành chính PAR Index trong 4 năm liên tiếp đứng đầu cả nước (2017-2020); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2019, 2020 đứng thứ nhất; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI từ vị trí thứ 62 năm 2016, đứng thứ 3 năm 2019, vươn lên đứng thứ nhất năm 2020).
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()