Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 02:34 (GMT +7)
Khai thác hiệu quả nguồn thải mỏ làm vật liệu san lấp
Thứ 2, 10/06/2024 | 16:02:08 [GMT +7] A A
Trung bình mỗi năm các mỏ than trong tỉnh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá; diện tích chiếm dụng hàng ngàn ha đất. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án, công trình tại Quảng Ninh rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3/năm. Do đó, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án được tỉnh xác định là nhiệm vụ cấp bách, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, tổng trữ lượng đất đá thải mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu san lấp khoảng 1.374 triệu m3. Để tái sử dụng nguồn đất đá thải mỏ phục vụ cho san lấp mặt bằng các dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép được sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bộ đã đồng ý cho tỉnh được phép khai thác đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải với khoảng 12,43 triệu m3, cụ thể: Bãi thải của Công ty CP Than Núi Béo (0,7 triệu m3), bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3), bãi thải Suối Lại của TKV (3,5 triệu m3) và bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,73 triệu m3).
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Đất đá thải mỏ đảm bảo về tiêu chuẩn và chất lượng làm vật liệu san nền, thay thế vật liệu san lấp truyền thống. Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại các bãi thải nêu trên đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Để khai thác hiệu quả nguồn vật liệu đất đá thải mỏ, liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D (TX Đông Triều) đã tiên phong đề xuất và triển khai lắp đặt dây chuyền thí điểm chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình xây dựng vốn đang thiếu vật liệu đắp, gia cố công trình. Nguồn nguyên liệu được lấy từ nguồn đất đá thải mỏ của bãi thải Nam Tràng Bạch, sau đó được đưa về nghiền sàng, phân loại để ra các loại vật liệu phục vụ cho việc san lấp các công trình, dự án.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê, cho biết: Dây chuyền thí điểm chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 có công suất khoảng 1.000m3/ngày đêm. Hiện Công ty đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, dự kiến trong tháng 7/2024 đưa dây chuyền vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng của nhiều dự án trên địa bàn.
Việc tỉnh được phép sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp, nhất là làm vật liệu đắp nền K95, K98 thay thế đất đồi, sẽ góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng khoáng sản, giảm diện tích đất sử dụng làm bãi thải ngoài, hạ được độ cao bãi thải giảm nguy cơ sạt lở, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, cũng như hạn chế việc khai thác đất đồi.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất đá thải mỏ, khoáng sản đi kèm than trên địa bàn, kiểm soát việc tổ chức triển khai thực hiện các phương án quản lý đất đá thải mỏ, cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, đảm bảo an ninh vật liệu xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Quốc Thắng
Liên kết website
Ý kiến ()