Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:17 (GMT +7)
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 5, 07/03/2024 | 15:45:31 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, thực hiện dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện phát triển rừng bền vững theo quy hoạch 3 loại rừng; tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Theo số liệu thống kê, Quảng Ninh hiện có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước với gần 423.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, có hơn 370.000ha đất có rừng. Để chỉ đạo, điều hành các hoạt động về lâm nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản.Trong đó, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" tạo tiền đề cho lâm nghiệp phát triển bền vững. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nước về phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhờ đó đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 39.413 ha. Diện tích trồng Lim, Lát, Giổi đạt hơn 2.242 ha, bằng 112,1% so với kế hoạch. Tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng được nâng cao. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, khai thác các sản phẩm từ rừng hàng năm đều tăng. Đặc biệt từ năm 2021 khi Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đến nay đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích cây gỗ lớn, cây bản địa hơn 1.656 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là trên 34 tỷ đồng.
Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, để tổ chức lại sản xuất, tỉnh Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX) gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhất là Chương trình OCOP vừa đảm bảo đầu ra vừa tăng chất lượng, giá trị sản phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 221 HTX thành lập mới, trong đó địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 69 HTX, chiếm 31,2%; 119 THT và 02 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 232 trang trại. Hiện, hầu hết các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng/trang trại.
Cùng với đó, trong 3 năm qua, tại khu vực vùng đồng bào DTTS cũng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp tại đây đã thực hiện liên kết với nhóm hộ phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo đầu ra ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, tăng 181 sản phẩm so với cuối năm 2020 trong đó vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. 100% các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Nhằm thực hiện đa dạng sinh kế cho người dân để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thời gian qua, tỉnh cũng triển khai một loạt các giải pháp để giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào DTTS. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng chính sách được coi là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả nhất.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của Trung ương.
Đến nay, toàn tỉnh đã xóa được 165 hộ nghèo và giảm được 1.145 hộ cận nghèo; tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Theo chuẩn nghèo của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, hiện tỉnh chỉ còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 171 hộ nghèo DTTS chiếm 69,5% trên tổng số hộ nghèo; 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó 1.638 hộ cận nghèo DTTS chiếm 54,48% trên tổng số hộ cận nghèo. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã vùng dân tộc thiếu số miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/ người (tăng 27,248 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, tăng 18,948 triệu đồng/người/năm so với năm 2022).
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()