Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Quảng Ninh đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển
Thứ 6, 17/06/2022 | 17:13:11 [GMT +7] A A
Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị Quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW), Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 15-NQ/TU). Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu “xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển”.
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển; đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Trong đó, đặc biệt quan tâm, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 KCN nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 và QHC xây dựng các KKT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 12.899,5 ha (có 10 KCN thuộc địa bàn các KKT), trong đó 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy CNĐKĐT và thành lập với tổng diện tích là 4.632,22 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 41,23%; 2 khu kinh tế ven biển; 3 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập (trong đó 6 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 2 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai xây dựng nhà xưởng và 2 khu công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, GPMB). Tổng diện tích đất theo quyết định thành lập của các KCN, KKT là 3.763,9 km2 tương đương 376.390 ha, tổng diện tích đất đã được GPMB tại các KCN là 2.320,15 ha. Tính riêng năm 2021, diện tích đất đã GPMB tại các KCN là 828,07 ha; Diện tích đất công nghiệp đã cho các dự án đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện dự án là 596,78 ha; Diện tích đất công nghiệp hiện có thể sẵn sàng cho thuê là 506 ha.
Đáng chú ý là KKT ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133 ha, bao gồm 58.183 ha diện tích đất tự nhiên và 158.950 ha diện tích mặt biển, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 và KKT ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303 ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập tại Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020.
Trong giai đoạn 2019-2021, hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối đến các KCN, KKT đã được tỉnh quan tâm đầu tư: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường kết nối từ nút giao Phong Hải đến KCN Nam Tiền Phong, Dự án Đường nối KCN Việt Hưng với KCN Cái Lân đã hoàn thành đưa vào khai thác. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án: Xây dựng nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và tuyến đường tốc độ cao ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hạ Long về Đông Triều từ 80 Km xuống còn trên 40 Km, thời gian di chuyển từ 01 giờ 30 phút xuống còn khoảng 30 phút. Đồng thời, dự án đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng đang được khẩn trương thi công để kết nối các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh cũng phối hợp với Hải Phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân theo Chương trình hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN, KKT, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư một loạt dự án hạ tầng động lực: Dự án Tuyến đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng; Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn...Các dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Liên kết website
Ý kiến ()