Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển
Thứ 2, 11/07/2022 | 14:04:06 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực phân bổ đầu tư cho những dự án động lực, trọng điểm. Qua đó, tạo nền tảng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Đây là khâu đột phá khơi thông nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và những dự án động lực trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ… thúc đẩy phát triển KT-XH.
Tỉnh Quảng Ninh kiên định mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” thu hút các dự án động lực, trọng điểm có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Theo đó, quan điểm của tỉnh sẽ bố trí sử dụng vốn ngân sách nhà nước để khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm có tính chất động lực thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Điển hình như tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài gần 80,2km, quy mô 4 làn xe ô tô với vận tốc tối đa 120km/h. Dự án chia làm hai dự án thành phần: Tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26km, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 4/2019, đến nay các hạng mục thi công gần như đã hoàn thành.
Dự kiến, từ ngày 1/8/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động tạm thời để phục vụ kết nối toàn tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái với cầu Bạch Đằng và cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Như vậy, Quảng Ninh là địa phương có chiều dài đường cao tốc dài nhất cả nước, khoảng 180km. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được ví như "mảnh ghép" cuối cùng để hoàn chỉnh tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây. Khi đi vào hoạt động tuyến cao tốc này sẽ tạo thành hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh ưu tiên hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở. Đồng thời, hoàn thành đồng bộ hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; hoàn thành cải tạo nâng cấp các hồ chứa nước trọng yếu tại các khu vực Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí, hệ thống cung cấp nước sạch, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch nông thôn; cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường xử lý nước thải, rác thải y tế, sinh hoạt...
Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư công, Quảng Ninh thực hiện nguyên tắc phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, đảm bảo cân đối chung và thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung, không đầu tư phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và đặc biệt là bảo đảm công khai, minh bạch, có xem xét tính hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương, vùng miền.
Song song với đó, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thực tế từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, song bằng những chính sách đầu tư thông thoáng, kết hợp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, Quảng Ninh đã thu hút thêm được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội. Tiêu biểu: Cuối năm 2021, tỉnh khởi công 4 dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách là Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh (TX Quảng Yên và TP Hạ Long); dự án sân Golf 27 lỗ (TX Đông Triều); nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (TP Cẩm Phả) và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái). Tổng mức đầu tư của 4 dự án hơn 280.000 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 20/6, tổng kế hoạch chi đầu tư công toàn tỉnh đạt 16.897 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương. 6 tháng năm 2022, tỉnh thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 37.904 tỷ đồng. Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XIV vừa qua, đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp bổ sung trên 2.400 tỷ đồng phân bổ cho các dự án đầu tư trung hạn phục vụ chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới… Việc bổ sung kịp thời nguồn vốn đầu tư trên sẽ đảm bảo nguồn lực đầu tư cho phát triển, giúp tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư, kinh doanh đến với Quảng Ninh.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()