Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:25 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững
Thứ 2, 11/04/2022 | 13:57:38 [GMT +7] A A
Đảm bảo an ninh nguồn nước (ANNN) là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, đề ra nhiều giải pháp chiến lược đảm bảo ANNN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Quảng Ninh hiện có 4 con sông lớn, gồm: Sông Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Ngoài 4 sông lớn trên, Quảng Ninh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài từ 15-35km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300km2, được phân bố dọc theo bờ biển. Việc quản lý hệ thống sông suối đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với đảm bảo ANNN. Mặc dù tổng lượng nước mặt hàng năm của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8,3 triệu m3/năm, nhưng mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nước cho các mục tiêu phát triển.
Theo các chuyên gia đánh giá, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất tỉnh Quảng Ninh còn tương đối cao với gần 1,7 triệu m3/ngày đêm nhưng khả năng khai thác, sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình chia cắt. Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, sụt lún đất đã và đang xảy ra tại một số địa phương. Không những vậy, hiện nay, thảm phủ rừng - nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất làm tăng nguy cơ lũ lụt...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 188 hồ chứa nước, trong đó 172 hồ đang hoạt động, 4 hồ đang xây dựng, 12 hồ không còn hoạt động. Tổng dung tích hữu ích khoảng 325,5 triệu m3/năm. Tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của tỉnh hiện tại vào khoảng 469 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 50,49%, nước cho công nghiệp chiếm 30,83%, nước cho sinh hoạt 16,33% và nước cho môi trường 2,35%.
Trong bối cảnh áp lực từ gia tăng dân số, phát triển kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng nước, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng ANNN của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, Quảng Ninh đang triển khai xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Bám sát quan điểm của tỉnh, đề án đặt ra là sẽ đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, việc nào cấp bách thì làm trước, lâu dài thì làm từng bước và phải có đột phá để xử lý vấn đề khó. Với sự tính toán của các nhà khoa học, phạm vi thực hiện của đề án sẽ là toàn bộ phần đất liền, các đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đảo có dân sinh sống, đảo có thể phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Ninh.
Các nội dung trọng tâm mà đề án sẽ tập trung thực hiện, là: Đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình. Từ đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước. Đề án cũng sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết về tính hiệu quả phát triển KT-XH giữa việc đầu tư xây dựng hồ chứa mới với việc nâng cấp, cải tạo các hồ đã có, trong đó ưu tiên phương án tận dụng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tận dụng khai trường mỏ sau khai thác cải tạo thành hồ chứa; cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả; sơ đồ hóa, bản đồ hóa nhu cầu sử dụng nước tại các vùng, khu vực đang thiếu nước...
Theo đó, dự kiến giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước. Cụ thể, khu vực Tây TP Hạ Long - TP Uông Bí - TX Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; khu vực huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng. Ngoài ra, khu vực phía Đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 570 tỷ đồng; ngân sách huyện 120 tỷ đồng và nguồn doanh nghiệp đầu tư 1.392 tỷ đồng). Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng nhu cầu kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()