Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:48 (GMT +7)
"Quảng Ninh đã rất trân trọng giá trị các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa"
Thứ 4, 10/02/2021 | 15:15:39 [GMT +7] A A
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Ông Michael Croft và trợ lý, phiên dịch của mình trong một chuyến thăm Quảng Ninh, tháng 11/2020. Ảnh: Phan Hằng |
- Với cương vị của mình, hẳn là ông đã được đi, trải nghiệm nhiều di sản trên thế giới cũng như Việt Nam. Vậy ông có đánh giá như thế nào về các di sản của Quảng Ninh?
+ Quảng Ninh là địa phương có rất nhiều may mắn vì nhận được sự ưu đãi lớn của thiên nhiên. Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh với những giá trị độc đáo, đặc sắc, không giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng có lợi thế riêng của mình với những di sản có sự kết hợp giữa tự nhiên và văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng. Như dịp cuối năm vừa qua, tôi đã được trải nghiệm ở huyện Bình Liêu, Yên Tử (TP Uông Bí) giữa một không gian rất thanh bình, lại có những tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh hết sức độc đáo… Đấy là nét đẹp rất riêng của Quảng Ninh, cũng là sự thuận lợi, lợi thế riêng để phát triển du lịch địa phương.
Mỗi người dân đều muốn gìn giữ và phát triển Vịnh Hạ Long
- Quảng Ninh đã có rất nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động lên vùng lõi của Di sản Vịnh Hạ Long thời gian qua, như di dời ngư dân làng chài lên bờ, các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm vùng Vịnh, cấm khai thác thuỷ sản trong vùng lõi, mở rộng không gian phát triển du lịch ra các vùng lân cận… Ông có đánh giá thế nào về những giải pháp này?
+ Chúng ta đều biết, Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới dựa vào những giá trị về thẩm mỹ và các giá trị địa chất, địa mạo nổi bật. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất và rất đáng mừng chính là việc TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh luôn coi việc gìn giữ những giá trị này là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế trọng tâm.
Xin một lần nữa khẳng định lại rằng, chính Vịnh Hạ Long sẽ biến TP Hạ Long trở thành điểm đến mới lạ, độc đáo của thế giới. Đây là điều vô cùng quan trọng mà tôi muốn các bạn nên ghi nhớ.
Ông Michael Croft tiếp xúc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh khi đến tham quan Yên Tử. Ảnh: Phạm Học |
- Với tư cách là người đại diện của UNESCO tại Việt Nam, ông có đề xuất, khuyến nghị cụ thể gì để tỉnh Quảng Ninh làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long?
+ Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài. Có thể những gì hiệu quả ngày hôm qua thì chưa chắc đã phát huy hiệu quả ngày mai. Vì vậy, điều mà chúng ta cần làm chính là duy trì việc đánh giá về tình trạng của Vịnh Hạ Long, nghiên cứu và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để gìn giữ giá trị của Di sản thế giới này.
Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng, có rất đông khách du lịch đến đây mỗi ngày, tuy nhiên điều này lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, tạo sức ép lớn đối với cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long.
Tôi nghĩ, tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp với các công ty tư nhân, những đơn vị kinh doanh về du lịch thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, đối thoại về các chính sách phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ rằng, mỗi người dân đều mong muốn phát triển và gìn giữ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Ông Michael Croft bày tỏ sự thích thú khi trải nghiệm các hoạt động văn hoá tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Công Thành |
- UNESCO sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh như thế nào để phát huy các giá trị của Vịnh Hạ Long một cách bền vững?
+ Tổ chức UNESCO sẽ là đối tác tin cậy, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu quốc tế sẽ phối hợp cùng giới chức địa phương, nghiên cứu và đưa ra những kế hoạch, giải pháp thích hợp để gìn giữ môi trường Vịnh Hạ Long.
Thực tế thì chúng ta đã hợp tác và đạt được những kết quả nhất định. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chính là giới chức tỉnh và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long được tiếp cận những suy nghĩ tích cực, những kiến thức hữu ích về chính sách gìn giữ môi trường, du lịch bền vững, quản lý nước thải, đối tác công - tư. Đó là những gì chúng tôi muốn gợi ý cho các bạn.
UNESCO sẵn sàng hỗ trợ với sự tư vấn cụ thể
- Cảm nhận của ông ra sao khi trải nghiệm tại Yên Tử?
+ Cá nhân tôi khi đến Yên Tử cảm thấy rất ấn tượng với không gian cũng như lễ hội mùa thu ở Yên Tử. Đây là một địa danh rất đẹp được bao quanh bởi các ngọn núi. Đặc biệt, Yên Tử chứa đựng những giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập nhiều năm trước đã gắn liền với nhiều giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy, đó là giá trị về hòa bình, nhân văn và lòng bao dung, nhất là những giáo lý triết lý nhân sinh của ngài dành cho cộng đồng về tình đoàn kết dân tộc. Những giá trị đó vẫn luôn còn tính thời sự, rất thiết thực trong xã hội chúng ta hôm nay. Tôi cho rằng đó là những giá trị Việt Nam cần gìn giữ và phát huy, vì đây là một di sản không phải nơi đâu cũng có được.
Ông Michael Croft vui vẻ dự một đám cưới của người dân tộc Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Công Thành |
Quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh hiện nay, hầu hết những đô thị mà chúng tôi đã qua, đã thấy thì cơ hội để có được những địa điểm như Yên Tử, để con người trở về với thiên nhiên, kiếm tìm những giá trị để soi chiếu chính mình, rất khó. Ở Yên Tử, chính bản thân tôi đã nhận ra có sự kết nối chính mình với thiên nhiên, với người xung quanh, với tâm nguyện cầu mong bình yên cho tâm hồn, cho xã hội, cho thế giới hòa bình. Đó cũng là những giá trị tôi tìm thấy ở Yên Tử cũng như Quảng Ninh.
- Như ông đã biết, Việt Nam chúng tôi mà cụ thể là 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đang làm hồ sơ cho di tích danh thắng Yên Tử để tới đây đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ông có gợi ý gì cho bộ hồ sơ này?
+ Xin nói ngay là quá trình này rất dài, không chỉ vài tháng mà thậm chí là vài năm, vì đây là một bộ hồ sơ rất phức tạp. Như chúng ta đã biết, ở cấp cao thì phải đạt được một sự đồng thuận chung về các giá trị của hồ sơ di sản. Từ đó, ở mức độ thấp hơn là các địa phương chúng ta mới có những bước đi cụ thể. Cũng từ đó chúng tôi mới có thể có những gợi ý theo hướng hồ sơ về di sản văn hóa hay hồ sơ di sản thiên nhiên.
Tôi cho rằng, các bạn cần tiếp tục có những nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia nghiên cứu theo những tiêu chí trong bộ 10 tiêu chí của UNESCO. Từ những nghiên cứu của các bạn, UNESCO sẽ sẵn sàng hỗ trợ các bước tiếp theo với sự tư vấn cụ thể…
Du lịch di sản là du lịch bền vững
- Qua việc trải nghiệm tại Bình Liêu, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch cộng đồng của địa phương này cũng như của Quảng Ninh?
+ Tôi rất xúc động, choáng ngợp với vẻ đẹp thiên nhiên của Bình Liêu. Khi đến Bình Liêu, tôi được trải nghiệm rất nhiều hoạt động văn hoá nơi đây. Tôi quan sát và thấy rằng, du lịch của Bình Liêu là du lịch cộng đồng dựa trên sự tham gia của người dân. Khách du lịch đến với Bình Liêu sẽ được trải nghiệm những gì mà người dân nơi đây muốn cho khách du lịch trải nghiệm chứ không phải khách du lịch đến và làm thay đổi Bình Liêu.
Bằng cách làm du lịch như vậy thì tôi cho rằng, Bình Liêu có thể bảo tồn được nét đẹp tự nhiên và văn hoá của người dân bản địa chứ không bị mai một đi và từ đó sẽ góp phần hình thành nên không chỉ là nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh nói riêng mà còn của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung. Đây là cách làm rất hay khi vừa phát triển được du lịch, vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống, và tôi cho là Bình Liêu sẽ còn tiếp tục phát triển mô hình du lịch bền vững như thế này lâu dài hơn nữa.
Ông Michael Croft chơi ném còn khi tham gia Hội mùa vàng Bình Liêu, tháng 11/2020. Ảnh: Công Thành |
- Quảng Ninh định hướng phát triển du lịch gắn với di sản, ông có đánh giá gì về cánh làm này của địa phương?
+ Cách làm của Quảng Ninh rất hay, đó là Quảng Ninh đầu tư vào phát triển du lịch di sản. Các di sản dựa trên những giá trị của cộng đồng, nghĩa là phát triển du lịch di sản là đầu tư vào cộng đồng, đầu tư vào chính con người của mình. Từ đó, người dân trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch của Quảng Ninh. Vì thế, đây là hướng đi chiến lược, giúp chúng ta có thể phát triển được ngành du lịch theo hướng bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khách du lịch trong nước và quốc tế đang chú ý nhiều đến du lịch trải nghiệm, du lịch hướng tới sự dân dã chứ không phải hướng tới những dịch vụ sang trọng, đắt tiền, thì những điểm du lịch đến với các di sản như ở Quảng Ninh là các điểm đến vô cùng hấp dẫn, đặc biệt với khách du lịch quốc tế.
Chúng ta biết rằng, du khách quốc tế đến với Việt Nam là vì những nét độc đáo của Việt Nam, vì những giá trị di sản của đồng bào bản địa, những di sản tự nhiên của Việt Nam rất độc đáo, khác biệt với những nơi khác. Vậy nên phát triển du lịch di sản chính là bảo tồn những giá trị riêng biệt đó, không chỉ về tự nhiên mà còn về văn hoá. Vì vậy, cách làm của Quảng Ninh hiện nay tôi cho là rất đúng đắn.
- Với kinh nghiệm của mình, theo ông thì Quảng Ninh nên làm thế nào để du lịch di sản có thể phát triển bền vững hơn?
+ Lần đầu tiên tôi đến Quảng Ninh, điều khiến tôi ấn tượng chính là những nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý và phát triển du lịch. Tôi biết Quảng Ninh là vùng đất mỏ với khoáng sản nổi tiếng và có truyền thống. Chúng ta có thể thấy được sự thay đổi tích cực khi Quảng Ninh cố gắng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Điều này không hề dễ dàng đối với một tỉnh mà trước đó chưa có kinh nghiệm về phát triển mô hình kinh tế này. Vì thế tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của UNESCO chính là trở thành đối tác tin cậy cho các bạn, giúp các bạn biết được những hạn chế cần tránh và chỉ ra những mặt tích cực để các bạn tiếp tục phát huy.
Vì thế song song với thu hút du khách thì các bạn cần phải khuyến khích du lịch có trách nhiệm, dù là khách quốc tế hay trong nước, để bảo vệ, đối phó thách thức trong việc phát triển du lịch thời nay. Khi giải quyết được thách thức sẽ mở rộng được cơ hội, mở rộng thị trường du lịch.
Ông Michael Croft đánh giá cao cách làm du lịch cộng đồng như việc tái hiện một đám cưới của người Sán Chỉ trong Hội mùa vàng Bình Liêu 2020. Ảnh: Công Thành |
Như trên tôi đã nói thì xu hướng của du lịch hiện nay hướng nhiều đến du lịch trải nghiệm. Vì vậy, phát triển du lịch di sản không quá chú trọng vào việc đầu tư những công trình đồ sộ mà chú trọng vào quảng bá những giá trị của người dân bản địa, những giá trị của sản phẩm du lịch bản địa. Qua đó giúp bảo tồn nét đặc sắc của người dân địa phương, các giá trị tự nhiên, văn hoá của người bản địa. Đơn cử như ở Bình Liêu là sự bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hoá của con người, vùng đất Bình Liêu nói riêng. Tôi cho rằng với cách làm ở Bình Liêu, nếu mà Quảng Ninh có thể mở rộng và tiếp tục thúc đẩy những mô hình như vậy thì du lịch di sản sẽ tiếp tục phát triển bền vững.
Chúng tôi cũng coi đây là mô hình khá thành công mà UNESCO mong muốn giới thiệu đến các địa phương khác.
- Thời gian tới, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam có kế hoạch gì để cùng các địa phương của Việt Nam phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững?
+ Đây là công việc chính của chúng tôi, không chỉ với các di sản của các địa phương được UNESCO ghi danh, mà Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ, đồng hành với các tỉnh, thành để phát triển du lịch bền vững, trong đó có Quảng Ninh.
Như chúng ta thấy, trước kia thì Quảng Ninh phát triển du lịch đại trà và khách du lịch đến đây đôi lúc cảm thấy khó chịu với lượng khách quá đông đúc, để lại những tác động tới môi trường, tới văn hoá của cộng đồng địa phương. Nhưng mà trong bối cảnh mới thời Covid-19, không có khách quốc tế tới Việt Nam, đây là cơ hội, thời cơ để chúng ta cùng nhìn lại xem là chúng ta mong muốn phát triển du lịch như thế nào, làm thế nào để phát triển du lịch bền vững.
Đây cũng là thời cơ để Văn phòng UNESCO tại Việt Nam có thể phối hợp chung tay cùng các cơ quan hữu quan và cùng với các đối tác, nhất là các đối tác khu vực tư nhân, chúng tôi muốn thúc đẩy những giá trị của phát triển du lịch bền vững, các giá trị của di sản văn hoá cũng như là giá trị của cộng đồng. Từ đó, chúng tôi mong muốn phát triển du lịch theo một hướng mới trong bối cảnh mới, theo một con đường bền vững mới, lấy giá trị di sản văn hoá làm cốt lõi, lấy cộng đồng làm cốt lõi để phát triển du lịch bền vững.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ngọc Mai - Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()