Tất cả chuyên mục

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nêu rõ mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại (về trước cả nước 5 năm). Với những nỗ lực và cố gắng, Quảng Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại theo mục tiêu đề ra.
Hiện thực hoá nghị quyết
Nhằm cụ thể hoá nghị quyết, tỉnh đã chủ động bắt tay vào nghiên cứu xây dựng Đề án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”. Theo đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương làm đơn vị chủ trì xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh công nghiệp.
![]() |
Sản xuất gạch tại Công ty CP Gốm Đất Việt, TX Đông Triều Ảnh: Thu Trang |
Ngay khi bắt tay vào việc xây dựng đề án, Sở Công Thương gặp không ít khó khăn, bởi việc xây dựng bộ tiêu chí này chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Trong khi đó, nước ta lại chưa có hệ thống tiêu chí tỉnh công nghiệp chung. Giải quyết những khó khăn này, Sở Công Thương đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược - Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tiến hành xây dựng đề án trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm CNH-HĐH của một số nước trên thế giới và khu vực; thực trạng CNH-HĐH của Việt Nam; đánh giá những tiềm năng và nguồn lực của tỉnh; hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua.
Đề án được nghiên cứu công phu, cẩn thận, kỹ lưỡng. Trong đó, hệ thống tiêu chí phù hợp với hệ thống tiêu chí của dự thảo Đề án nước công nghiệp (đã được trình thông qua Bộ Chính trị khoá XI). Đề án được lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, các sở, ban, ngành, các tổ chức của tỉnh. Ngày 25-4-2012, Đề án được hoàn thành và ra đời theo Quyết định số 925/QĐ-UBND. Căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 27-6-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1579/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh một số chỉ tiêu của Đề án. Theo Đề án, hệ thống tiêu chí của Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại gồm 18 tiêu chí, chỉ tiêu (gọi tắt là tiêu chí) và được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 6 tiêu chí kinh tế, nhóm thứ hai gồm 9 tiêu chí văn hoá - xã hội và chất lượng cuộc sống, nhóm thứ ba gồm 3 tiêu chí về môi trường.
Đề án không chỉ cụ thể hoá mà còn tạo căn cứ vững chắc, thống nhất trong nhận thức, hành động, tập trung lãnh đạo, nỗ lực chỉ đạo điều hành, phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành mục tiêu nghị quyết. Đồng thời, có ý nghĩa sâu sắc trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Cán đích thành công
Để đảm bảo đạt các tiêu chí theo đúng lộ trình, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện hệ thống tiêu chí của Đề án. Trên cơ sở nhiệm vụ UBND tỉnh giao, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để rà soát, đôn đốc thực hiện các tiêu chí liên quan đến ngành, địa phương mình. Kế hoạch đưa ra lộ trình thực hiện và hàng năm có kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện hệ thống tiêu chí của đề án.
![]() |
Một góc Công ty CP Xi măng Thăng Long, huyện Hoành Bồ. |
Nhìn lại chặng đường gần 5 năm không phải là dài song với những cố gắng, nỗ lực của Quảng Ninh tính đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, Quảng Ninh đã đạt được 16/18 chỉ tiêu (bằng 88,9%). Các chỉ tiêu đã đạt được là: GDP bình quân đầu người, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân, tỷ trọng hàng CNXK/kim ngạch XK, tỷ trọng VA/GO (tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp so với giá trị sản xuất công nghiệp thể hiện hiệu quả của sản xuất công nghiệp); tỷ lệ dân đô thị; tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng số lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng lao động; tỷ lệ lao động trình độ cao/tổng lao động; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới); tỷ lệ che phủ rừng; tỷ trọng chất thải rắn công nghiệp được xử lý, tái chế; lượng nước sinh hoạt; cơ cấu kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; chỉ số phát triển con người (HDI); tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng KHCN. Điển hình như chỉ tiêu về tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng số lao động, chỉ tiêu này nhằm đánh giá, thể hiện mức độ công nghiệp hoá các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng số lao động của Quảng Ninh lần lượt qua các năm: Năm 2011 là 28,7%; năm 2012 là 29,6%; năm 2013 là 28,2%; năm 2014 là 29,2%; năm 2015 ước là 29,1%. Con số này thấp hơn mục tiêu đặt ra theo đề án là tăng bình quân dưới 35%. Vì vậy, chỉ tiêu này đã đạt được.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua đã có sự đóng góp đáng kể của ngành dịch vụ, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai thác than. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 7,6% năm 2011 xuống còn 6,0% năm 2015 (kế hoạch đề ra 4-5%); công nghiệp luôn duy trì trong khoảng 50-53% (kế hoạch đề ra 53-54%); dịch vụ tăng mạnh từ 39,2% năm 2011 lên 43,4% năm 2015 (kế hoạch đề ra 43-45%). Trong đó, ngành công nghiệp cũng có sự tăng trưởng qua các năm với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 6,3%/năm. Khu vực kinh tế nhà nước tăng bình quân 5,9%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 0,4%/năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm. Đặc biệt, ngành công nghiệp đã có thêm một số sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường với các dự án lớn như: Nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái) của Công ty Dệt may Texhong Ngân Long (TP Móng Cái), nhà máy xay lúa mì VFM-Wilmar tại KCN Cái Lân (TP Hạ Long) của Công ty TNHH Xay lúa mì VFM-WILMAR, nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam…
Mặc dù hiện nay, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương chưa có tiêu chí hướng dẫn, đánh giá, thẩm định và công nhận tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng hiện thực hoá nghị quyết cùng với những kết quả đã đạt được đã khẳng định những bước đi đúng đắn của Quảng Ninh trong việc xây dựng tỉnh công nghiệp, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trên toàn tỉnh thời gian qua. Đây sẽ là tiền đề để Quảng Ninh vững vàng bước vào giai đoạn mới.
Cao Quỳnh
Ý kiến ()