Tất cả chuyên mục

Nhằm tăng miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi tại tất cả các địa phương trên địa bàn với mục tiêu đạt trên 95% trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi được tiêm vắc-xin. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành chiến dịch đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Ngay từ ngày đầu tiên của lịch tiêm chủng, chị Ninh Thị Hảo, khu 4, phường Hà Khánh, TP Hạ Long đã đưa con đến Trạm y tế phường Hà Lầm tiêm vắc–xin phòng sởi, rubella.
Chị Hảo chia sẻ: Dịch sởi đang diễn ra ở Quảng Ninh và nhiều địa phương trong cả nước. Con tôi đang học tại trường Tiểu học Hà Lầm. Được nhà trường và thầy cô giáo tuyên truyền, thông tin, phổ biến về lịch tiêm chủng tại phường, tôi đưa ngay con đi tiêm vắc–xin phòng sởi. Việc tiêm phòng vắc–xin là giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo cho sự phát triển của con.
Nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, tỉnh và ngành Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tuyên truyền cách phòng, chống bệnh; rà soát, thống kê, lập danh sách trẻ từ 6 tháng đến dưới 10 tuổi chưa tiêm đầy đủ để xây dựng kế hoạch tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đưa con em trong độ tuổi đến trạm y tế tiêm phòng; thông tin đến phụ huynh, gia đình lịch tiêm chủng... từ đó, khẩn trương hoàn thành chiến dịch tiêm phòng sởi trên địa bàn tỉnh trước ngày 29/3/2025.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn vắc–xin phòng sởi đảm bảo cho việc tiêm chủng với 42.550 liều. Toàn tỉnh đã thành lập 190 đội, kíp tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn và tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí triển khai tiêm chủng chiến dịch; thiết lập 45 đội cấp cứu thường trực tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh duy trì 171 điểm tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế, 20 điểm tiêm tại các trường học, 8 điểm tiêm tại các phân trạm.
Tính đến hết ngày 28/3, tỷ lệ tiêm vắc–xin phòng sởi trên địa bàn đạt gần 92%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao như: Móng Cái, Bình Liêu, Hạ Long...
Thạc sĩ Đoàn Ngọc Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Móng Cái, cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc tiêm phòng sởi cho trẻ em là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Qua rà soát, TP Móng Cái có 2.472 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi thuộc đối tượng cần tiêm chủng. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thành phố, Trung tâm đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng sởi. Trên cơ sở đó, từ ngày 25/3, thành phố đã triển khai đồng loạt tiêm chủng vắc–xin phòng sởi tại 16/16 trạm y tế xã, phường. Tính đến hết ngày 28/3, tỷ lệ tiêm chủng đạt 96%, để giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi, đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững dịch bệnh, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trên địa bàn TP Móng Cái.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi đã đạt được hiệu quả tích cực. Trong đó, chiến dịch được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Quy trình tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Mỗi điểm tiêm chủng có đầy đủ kíp cấp cứu đủ năng lực trong suốt quá trình tiêm. Tiến độ tiêm hoàn thành sớm hơn chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vét vào ngày 29 và 30/3. Qua đó, đảm bảo độ bao phủ vắc-xin cho trẻ trên địa bàn tỉnh, tăng miễn dịch trong cộng đồng, không để dịch bùng phát. Quảng Ninh là địa bàn phát triển năng động nên thường xuyên có sự di biến động dân cư nên phát sinh các đối tượng mới. Vì vậy, ngành Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi để tổ chức tiêm bổ sung; triển khai đồng bộ cả y tế dự phòng và khám chữa bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Ngoài việc thực hiện tốt công tác phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ học tập, sinh hoạt, phát triển, góp phần bảo vệ cộng đồng.
Ý kiến ()