Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:57 (GMT +7)
Quảng Ninh chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ 3, 22/12/2020 | 08:28:08 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.
Đoàn các nhà đầu tư Hàn Quốc thăm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tháng 8/2020. Ảnh: Đỗ Phương |
Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối ngoại và tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, việc mở cửa và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp tỉnh có điều kiện huy động được những nguồn lực từ bên ngoài; bồi đắp thêm tiềm lực từ bên trong, từ đó góp phần đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở tốc độ cao, thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 1990 đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn 200 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Riêng trong 3 năm gần đây, Quảng Ninh đã ký kết gần 30 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các địa phương các nước và vùng lãnh thổ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định và phát triển, giúp Quảng Ninh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ… Hiện Quảng Ninh nằm trong danh sách các địa phương có dự án FDI được cấp phép mới cao của cả nước.
Có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các chỉ thị và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế. Các sở, ngành liên quan chủ động cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể trên các trang thông tin của các ngành chủ quản và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, đưa nhiều mô hình mới vào vận hành như trung tâm hành chính công các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, mô hình một cửa về xúc tiến đầu tư (IPA) được đẩy mạnh triển khai, qua đó góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, rút ngắn 40% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, chủ động đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tận dụng cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại một cách hiệu quả phù hợp với các luật lệ, quy định, chuẩn mực quốc tế và các thể chế đa phương, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, xác định giao thông là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, Quảng Ninh đã chú trọng giải quyết tốt điểm nghẽn về giao thông nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Hàng loạt công trình giao thông cả đường bộ, đường biển, đường hàng không đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh, trở thành những “cánh tay” nối dài, kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và mở rộng “cánh cửa” mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Lực lượng chức năng thực hiện các thủ tục thông quan nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Thu Chung |
Những năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, như: Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc; hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt; hội chợ OCOP thường niên... nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế với các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu kinh tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; quảng bá mở rộng hình ảnh, con người và văn hóa Quảng Ninh đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo với mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trong tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã cam kết; có định hướng thu hút đầu tư vào các vùng một cách hợp lý, vào các lĩnh vực ưu tiên... để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 sẽ xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái trở thành điểm sáng trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, thương mại biên giới phát triển. Đây chắc chắn là động lực để Móng Cái trở thành một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa ASEAN - Trung Quốc, động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc Tổ quốc; là một cơ hội rất thuận lợi cho Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Quảng Tây và với các tỉnh khác của Trung Quốc.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()