Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:08 (GMT +7)
“Du lịch Quảng Ninh cần tận dụng hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia”
Chủ nhật, 09/04/2023 | 07:10:17 [GMT +7] A A
Thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng cần tập trung triển khai những giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh?
Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phỏng vấn ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch về vấn đề này.
- Sau Covid-19, du lịch dần lấy lại đà phục hồi và một trong những vấn đề được bàn đến rất nhiều vào thời điểm này, đó là chuyển đổi số trong ngành du lịch. Theo ông, chuyển đổi số trong du lịch cần phải được tiếp cận như thế nào? + Như chúng ta đã biết chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo. Tiêu biểu như Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư, có nêu rõ định hướng tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao trong đó có du lịch số. |
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình chuyển đối số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Đặc biệt, tại các hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, phương thức sống và làm việc của người dân, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.
Chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo, lãng phí và nhất là dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”. Chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.
Thủ tướng đã nhấn mạnh năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
- Việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch hiện nay đang nảy sinh những vấn đề gì cần được quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ?
+ Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch đã rất nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh đã ra đời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Tuy nhiên chúng ta cũng đã chứng kiến các hoạt động chuyển đổi số theo xu hướng “Trăm hoa đua nở” hay mạnh ai người đấy làm. Sự manh mún và thiếu liên kết là rào cản đối với sự hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh theo định hướng mà các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
- Vậy cần phải làm gì để hạn chế tình trạng này và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong du lịch?
+ Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh và đồng bộ trên toàn quốc, Trung tâm thông tin du lịch đã tham mưu các cấp xem xét, ban hành các đề án, quy hoạch về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; xây dựng các nền tảng số cốt lõi hỗ trợ công tác quản lý và du lịch như hệ thống cơ sở du lịch quốc gia Việt Nam, hệ thống báo cáo thống kê từ Trung ương đến cơ sở, hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch, nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”, nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” - hỗ trợ du khách đa tiện ích từ tìm kiếm thông tin đến đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến, quản lý tour, phản ánh tới cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển các kênh truyền thông số quảng bá du lịch Việt Nam, xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch. Bộ tài liệu là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.
Đồng thời chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các địa phương trên cả nước như: Sơn La, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ... triển khai chuyển đổi số thông qua các lớp tập huấn. Các lớp tập huấn này, đã phần nào đáp ứng tốt nhu cầu, mong muốn cũng như gỡ nút thắt của các địa phương trong phát triển du lịch.
- Ông đánh giá thế nào về chuyển đổi số trong du lịch tại Quảng Ninh và Quảng Ninh cần tập trung triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch?
+ Quảng Ninh là một trọng điểm du lịch của cả nước, với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, đẳng cấp, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Do vậy, các giải pháp về chuyển đổi số cần hướng đến tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch trên địa bàn.
Về định hướng chuyển đổi số, chúng tôi đề nghị ngành du lịch Quảng Ninh cần tận dụng hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch để tối ưu hóa nguồn lực, tạo sự đồng bộ về dữ liệu, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Cụ thể, Quảng Ninh cần triển khai áp dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” của Tổng cục Du lịch để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống Thẻ du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch thuộc hệ sinh thái Thẻ Việt - Một thẻ Quốc gia đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch (như hệ thống báo cáo thống kê, quản lý các sản phẩm du lịch, điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...). Tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch như website, mạng xã hội, xây dựng các video clip quảng bá du lịch.
Triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch tỉnh trên Trang vàng Du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi cho kết nối, giao dịch giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng du lịch; đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Du lịch theo nội dung văn bản số 1818 ngày 4/11/2022 của Tổng cục Du lịch.
Với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số hoạt động du lịch. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý du lịch, tôi tin tưởng rằng, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và phát triển của du lịch cả nước trong thời gian tới.
- Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh
- Hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh
- Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở Cô Tô
- Chuyển đổi số giúp du lịch tăng tốc bứt phá
- "Chuyển đổi số - thanh niên phải là lực lượng đi đầu, tiên phong"
- Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thí điểm chuyển đổi số
- Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính
Liên kết website
Ý kiến ()