Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:05 (GMT +7)
Quảng Ninh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Thứ 2, 01/02/2021 | 14:55:37 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, Quảng Ninh có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Giữa tháng 1/2021, chúng tôi có dịp cùng các lực lượng chức năng của xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đi hỗ trợ các hộ ngư dân đã tự nguyện tháo dỡ đăng đáy, lưới vây, cọc tre để khai thác thủy sản không đúng quy định vi phạm danh mục nghề, ngư cụ sử dụng cấm khai thác thủy sản trên vùng khai thác tự nhiên tại bãi triều xã Quảng Minh. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, xã Quảng Minh đã tiến hành rà soát, kiểm tra số hộ dân dựng đăng đáy, vây lưới không đúng quy định vi phạm danh mục nghề, ngư cụ sử dụng cấm khai thác thủy hải sản trên vùng khai thác tự nhiên tại bãi triều trên địa bàn. Xã đã tuyên truyền, vận động, tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các hộ dân và yêu cầu các hộ dân phải tiến hành tháo gỡ theo đúng quy định. Qua đó trong vòng 1 tuần, 16 hộ dân vi phạm đã hoàn thành tháo dỡ toàn bộ đăng đáy, lưới vây, cọc tre không đúng quy định về nghề khai thác thủy sản và trả lại mặt bằng bãi triều đúng quy định.
Các hộ ngư dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đã tự nguyện tháo dỡ đăng đáy, lưới vây và cọc tre tại bãi triều. Ảnh: Thái Hà (CTV) |
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyên truyền trực tiếp cho hàng nghìn ngư dân. Chỉ tính trong năm 2020, đã tổ chức 2 hội nghị, 16 lớp tập huấn cho trên 1.000 ngư dân; Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã kết hợp trong các chuyến thanh, kiểm tra trên biển tuyên truyền trực tiếp cho hơn 4.000 lượt ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản; lực lượng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản đã tổ chức 37 chuyến công tác, với thời gian bám biển trên 420 ngày, đảm bảo duy trì lực lượng gần như 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long... Phát hiện, xử phạt 289 trường hợp vi phạm, thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 2,4 tỷ đồng. Tịch thu tiêu hủy 42 chiếc kích điện, 775m dây điện, 620m ống hơi, 23 bộ quần áo lặn, 26 chiếc lưới te, 2.030m lồng bát quái, 20 chiếc cào sắt và nhiều loại ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản khác, như: Càng te, bàn trượt sắt, chã ván. Đặc biệt, qua công tác thanh tra đã kiến nghị tịch thu tiêu hủy 7 phương tiện tàu cá vi phạm nghiêm trọng trong khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ tàu dùng công cụ khai thác thủy sản trái phép vào tháng 3/2020. |
Song song với đó, thời gian qua Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên; hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh tích cực thực hiện.
Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thả trên 11 triệu con giống tôm, cua, cá về môi trường tự nhiên, qua đó góp phần tái tạo, duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt. Các dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai mạnh, như: Quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần; triển khai nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, nhân giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; ứng dụng KHCN trong việc phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển...; mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống trên địa bàn. Nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong công tác này.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()