Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:39 (GMT +7)
Quảng Ninh: 7 nhiệm vụ trọng tâm để giữ địa bàn an toàn
11/08/2021 - 16:41 [GMT +7]
Siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh; hạn chế tối đa người đi từ vùng có dịch, nơi có dịch vào địa bàn tỉnh và người Quảng Ninh ra khỏi tỉnh tới các địa phương có dịch. Tập trung ngăn chặn ở mức cao hơn nữa mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn trên cả đường hàng không, đường bộ, đường biên giới, đường mòn, lối mở, đường biển và đường thủy nội địa; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch.
Các địa phương, ngành Y tế và các lực lượng chức năng có liên quan tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 283-KL/TU ngày 03/8/2021 để bảo đảm kiên quyết, kiên trì ngăn chặn có hiệu quả mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.
Thực hiện kiểm soát, kiểm tra, giám sát ở mức cao nhất đối với người và phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt như áp dụng đối với tàu biển nước ngoài ra, vào tỉnh: (1) Thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 đối với thuyền trưởng, toàn bộ thuyền viên, người lao động trên các phương tiện thủy nội địa; chỉ khi tất cả các trường hợp đều có kết quả âm tính mới được thực hiện thủ tục giao nhận hàng. (2) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo Trung tâm giám định TKV, nhất là các Trạm KCS đang làm nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa dọc các tuyến từ Cẩm Phả đến Đông Triều phải lấy mẫu test nhanh kháng nguyên sau mỗi ca làm việc và 03 ngày/ lần lấy xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với cán bộ, nhân viên thuộc quyền quản lý. (3) Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã nơi có bến, cảng tăng cường quản lý chặt chẽ dân cư, quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội liên quan đến các phương tiện thủy nội địa ra vào địa bàn thuộc phạm vi quản lý; đồng thời khuyến cáo người dân sinh sống nơi có cảng, bến thủy nội địa hạn chế tối đa tiếp xúc với người làm việc trên các phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an, trật tự viên tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, người lao động trên các phương tiện thủy nội địa, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến các cảng, bến nhằm kịp thời phát hiện ngay, xử lý nghiêm đối với các vi phạm.
Tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng lớn nhất từ trước đến nay đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất theo phương án tiêm “cuốn chiếu”, tiêm khu vực nào xong khu vực đó để tạo vùng xanh an toàn theo đúng quy định.
Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương sơ kết, rút kinh nghiệm trên phạm vi toàn tỉnh về việc tổ chức tiêm chủng trong các đợt vừa qua để bổ sung, điều chỉnh các biện pháp, cách thức cho phù hợp với tình hình mới nhằm triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng đáp ứng được yêu cầu chung; chỉ đạo các địa phương tiếp tục củng cố công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiêm chủng các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, huy động tổng lực sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là UBND cấp huyện, cấp xã, ngành y tế, công an, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện; sử dụng dữ liệu dân cư phục vụ công tác tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngành y tế tập trung rà soát, củng cố năng lực tiêm chủng trên diện rộng gắn với năng lực xử lý các tình huống nảy sinh sau tiêm (nếu có) đảm bảo an toàn nhất cho người dân khi tiêm chủng, không để xảy ra rủi ro và truyền thông bị động.
Chú trọng nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế, những nơi có nguy cơ cao theo quy định.
Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chỉ định lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên sàng lọc, tầm soát chủ động theo ngày, theo tuần đảm bảo có tính đại diện cao nhất phù hợp với từng địa phương, địa điểm, đối tượng nguy cơ cao; riêng ngành Y tế, yêu cầu phải xét nghiệm RT-PCR đối với 100% các trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh có biểu hiện ho sốt, khó thở tại tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập để làm cơ sở đưa ra các chỉ báo chính xác, đáng tin cậy nhất nhằm phát hiện sớm các nguy cơ trong cộng đồng, không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh.
Ngành y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hướng dẫn người dân, người lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tự thực hiện lấy mẫu, test xét nghiệm nhanh; đồng thời vận động, khuyến khích người dân, người lao động tự mua test xét nghiệm nhanh để thường xuyên thực hiện nhằm chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.
Tăng cường thắt chặt hơn nữa công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; siết chặt quản lý lưu trú, quản lý dân cư, đặc biệt là đối với các khu vực xa khu dân cư, các khu vực nhà trọ trong khu đô thị, lán trại tại các công trường, công trình,...
Trong ngày 11/8/2021, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải hoàn thành việc rà soát, tổng hợp toàn bộ các trường hợp lao động tự do, lao động ngoại tỉnh, nội tỉnh không chính thức, không có giao kết hợp đồng đang làm việc tại các công trường, công trình xây dựng của nhà nước, nhà đầu tư tư nhân, nhà dân trên địa bàn thuộc quyền quản lý, đặc biệt là các công trình cách xa khu dân cư để quản lý chặt chẽ, phục vụ công tác kiểm soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng tại khu dân cư; siết chặt quản lý tạm trú, tạm vắng, di biến động dân cư, nắm chắc các trường hợp từ các vùng, các nơi, các địa phương có dịch vào địa bàn, nhất là Hà Nội để theo dõi, giám sát, hỗ trợ y tế theo quy định.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chức năng có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 nếu để xảy ra bất ngờ về ca bệnh, ổ dịch do lỗi chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, buông lỏng quản lý, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.
Quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng mô hình an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để nảy sinh tiêu cực; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh.
Giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý Khu kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện mô hình công nhân lao động an toàn, nhà trọ an toàn, phân xưởng nhà máy an toàn, công trường an toàn, ngành Than an toàn, cụm công nghiệp, khu công nghiệp an toàn,…
Triển khai có hiệu quả Phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 1.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 2560/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 của UBND tỉnh.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế, UBND các địa phương và các ngành liên quan khẩn trương củng cố, nâng cao toàn diện năng lực sẵn có và cơ sở vật chất khác đảm bảo ứng phó hiệu quả đáp ứng được ngay với tình huống có 500 ca F0.
Đối với phương án có 1.000 ca mắc, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 79/NQ-CP, ngày 22/07/2021 của Chính phủ, Quyết định số 277/QĐ-BCĐQG ngày 08/7/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Kết luận số 283-KL/TU ngày 03/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tính toán kỹ lưỡng nhu cầu cần có để chủ động sẵn sàng, đảm bảo tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, thiếu trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao, thuốc men, nhất là oxy, máy thở; đồng thời bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, thất thoát, lãng phí. Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hành thuần thục phương án ứng phó với 1000 ca bệnh, trong đó lưu ý việc bố trí, phân phối nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phù hợp.
Quan tâm đúng mức hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, bồi đắp lòng tự hào, tin tưởng, ủng hộ, chủ động, tích cực, chung sức, đồng lòng với tỉnh trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”. Tuyên truyền mạnh mẽ, tích cực, chủ động về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chiến lược vắc xin trong công tác phòng, chống dịch. Sâu sát nắm tình hình và định hướng dư luận; luôn làm chủ trên không gian mạng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, hành vi thông tin sai sự thật về dịch bệnh, nhất là liên quan đến việc tiêm chủng thời gian tới; tuyệt đối không để khủng hoảng truyền thông; phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.
Ý kiến ()