Đang sống trong những ngày với cảm xúc vinh dự, tự hào khi lần đầu tiên được là đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành (khi đó đang là Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Đông Triều) đã buộc phải xin tạm dừng tham dự Đại hội để trở về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất nguy cấp trên địa bàn TX Đông Triều.
“Thời điểm đó Tết Nguyên đán đang đến rất gần, ổ dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) địa bàn giáp ranh Đông Triều đang bùng phát rất dữ dội. Số ca nhiễm của Đông Triều tăng vọt từng ngày đều liên quan đến ổ dịch này. Được sự đồng ý của đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng ý của Đại hội, tôi được cho phép rời Đại hội sớm hơn để về thị xã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Gần 50 ca F0 xuất hiện chỉ trong vài ngày đã khiến cả thị xã thực sự lo lắng, cả hệ thống chính trị vận hành cơ chế phòng chống dịch ở mức cao nhất” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành chia sẻ.
Trong khi Đông Triều đang nóng từng ngày với số ca nhiễm bệnh liên quan đến ổ dịch Chí Linh tăng thì 4 địa phương còn lại của tỉnh Quảng Ninh cũng xuất hiện các ca bệnh mới, Quảng Ninh chính thức bước vào đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3. Chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 27/1 đến 10/2/2021) toàn tỉnh ghi nhận 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó, nhiều nhất là TX Đông Triều liên quan đến ổ dịch tại TP Chí Linh (Hải Dương). Từ ngày 10/2 đến 23/2, Quảng Ninh ghi nhận thêm 4 ca mắc mới, là các F1 đã được cách ly tại các cơ sở y tế trong cộng đồng. Đây là con số lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong bối cảnh Tết Nguyên đán đã cận kề, số ca nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước do biến thể mới của vi-rút gây ra với tốc độ lây lan nhanh chóng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tại tâm dịch Đông Triều.
Thần tốc – chủ động – đồng bộ, khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã ngay lập tức vào cuộc một cách quyết liệt nhất. Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương, tỉnh đã vận hành cao nhất cơ chế trong phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy. Dưới sự chủ trì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã họp tổ chức hàng loạt các cuộc làm việc để chỉ đạo các giải pháp cấp bách nhanh chóng dập dịch. Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành qua các cuộc họp cấp bách, người đứng đầu không ngại đến “điểm nóng”, vùng đang có ca mắc Covid-19 để nắm bắt tình hình, chấn chỉnh kịp thời cách làm chưa đúng, thiếu hiệu quả của địa phương, hay chỉ đạo trực tiếp những biện pháp cần triển khai trong khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân…
Điển hình ngay trong chiều 28/1, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh lúc đó đang dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ Thủ đô Hà Nội đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Các giải pháp căn cơ, cụ thể đã được chỉ đạo trực tiếp, trong đó đồng chí đặc biệt nhấn mạnh, phải tranh thủ từng giờ để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan trên diện rộng và mầm bệnh không được kiểm soát. Mục tiêu là Quảng Ninh nhanh chóng, chủ động dập tắt triệt để các ổ dịch; giảm thiểu số ca mắc mới; giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra trên địa bàn và đặc biệt không để có ca tử vong. Ngay sau khi trở về từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp cùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp có mặt tại “tâm dịch” Đông Triều để nắm bắt những khó khăn, chỉ đạo địa phương, các ngành quyết liệt, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tỉnh đã nhanh chóng thiết lập các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo triển khai ngay việc khai báo sức khỏe toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người”; thực hiện truy vết thần tốc trên diện rộng đảm bảo yêu cầu không được bỏ sót bất kỳ trường hợp F1 và “mốc dịch tễ” của F0 nào; đẩy nhanh tối đa tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực; công bố, công khai rộng rãi các trường hợp dương tính để tiếp tục truy vết, cách ly, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm... Tỉnh cũng khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực cách ly tập trung các trường hợp F1; tăng cường năng lực điều trị đối với các tuyến y tế cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức truyền thông chủ động, tích cực và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các khu cách ly tập trung, cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, trụ sở các cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Đặc biệt là siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển đảm bảo không để bị động, bất ngờ.
“Trong hơn một tuần chúng ta đã nhanh chóng chặn đứng được đà lây lan của dịch bệnh, dập tắt ổ dịch Vân Đồn, khóa chặt ổ dịch Đông Triều, hoàn toàn kiểm soát thành công dịch bệnh khẳng định sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế, các lực lượng vũ trang và bài học kế thừa, phát huy kinh nghiệm quý báu sau một năm bền bỉ không mệt mỏi “Chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép”. Ngăn chặn được đà lây lan nhanh của dịch bệnh, kiềm chế và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn để nhân dân được đón Tết Tân Sửu 2021 an toàn, đó là thành công lớn nhất trong đợt dịch lần thứ 3.” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã phá vỡ hoàn toàn đồng hồ và bản đồ dịch bệnh Covid-19, với số ca nhiễm mới trên thế giới, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thủ đô Hà Nội tăng lên mỗi ngày cho thấy sự phức tạp, nguy hiểm, khó kiểm soát của tình hình dịch bệnh. Đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết tỉnh Quảng Ninh đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid -19 kịp thời điều chỉnh phương pháp, cách làm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh, vận dụng thực hiện hiệu quả chiến lược nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước và “4 tại chỗ” với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó chính là, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở một cách cao hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, quyết tâm, quyết liệt thực hiện chiến lược “5K + vắc xin+ công nghệ”. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh đã chủ động, tích cực tiếp cận với các nguồn vắc xin sớm nhất có thể với số lượng vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm chủng diện rộng trên toàn tỉnh; đồng thời tập trung cao nhất triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Công nhân lao động ngành Than thực hiện nghiêm quy định 5K trước khi vào ca sản xuất.
“3 trước, 4 tại chỗ” năm 2021 của Quảng Ninh phải được ứng biến rất linh hoạt, kịp thời, phù hợp. Tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, nhất là nguồn lực “chính trị, tinh thần, niềm tin” của Nhân dân, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ anh hùng theo phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh” – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nguyễn Xuân Ký quán triệt trong các cuộc họp BCĐ phòng chống dịch từ cấp tỉnh đến 177 xã, phường, thị trấn hàng tuần.
Các tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng hướng dẫn người dân khai báo y tế.
Cả hệ thống chính trị với nguyên tắc chống dịch là nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, làm thực chất và hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nâng cao vai trò gắn với ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu. Phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ” được ứng biến linh hoạt hơn từ tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở với tinh thần “chống dịch như chống giặc”... đã giúp cho Quảng Ninh giữ được địa bàn “zero F0” trong suốt 114 ngày trước “cơn bão” của biến thể Delta gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh khu vực phía Nam, bảo vệ an toàn tỉnh xanh để thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Khi chuyển từ chiến lược “Zero F0” sang thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu, sẵn sàng và nhanh chóng, kịp thời, vững vàng chuyển trạng thái. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TU mang tầm chiến lược và cụ thể hóa Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ và kết luận hội nghị Trung ương 4, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tỉnh Quảng Ninh đưa trí tuệ nhân tạo AI vào kiểm soát người ra vào địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở nền tảng là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thuộc tốp đầu và nhanh nhất cả nước, tỉnh đã tích cực triển khai sớm việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào kiểm soát dịch bệnh; chủ động triển khai kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu tiêm chủng; xây dựng bộ dữ liệu lớn về xét nghiệm test nhanh, RT-PCR dùng chung toàn tỉnh, kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, trong đó có ứng dụng PC-COVID để phục vụ công tác quản lý; triển khai sớm kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Nhiều địa phương trong tỉnh triển khai nhiều mô hình kiểm soát, phòng chống dịch sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là mô hình tổ liên gia tự quản, cộng đồng tự quản đảm bảo an toàn dịch bệnh ở khu dân cư.
Các doanh nghiệp thực hiện test nhanh Covid-19 cho các công nhân lao động thuộc nhóm nguy cơ cao.
Chủ động, lường trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ cơ sở, tỉnh khẩn trương, kịp thời chuyển đổi trạng thái từ phòng ngừa, ngăn chặn sang tiến công dập dịch khi chỉ mới xuất hiện ca bệnh, với tinh thần “xét nghiệm phải nhanh nhất, truy vết phải thần tốc và triệt để”, không bỏ sót F1, không bỏ sót các mốc dịch tễ F0, kiên quyết dập tắt dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng, không để biến thành khủng hoảng y tế, đình trệ kinh tế. Với quan điểm mỗi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đặt vấn đề toàn dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh thông qua việc tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xét nghiệm tập trung từ cấp cơ sở, từng đơn vị nhỏ, đến từng hộ gia đình. Việc tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh diễn ra tại gia đình, nhà trường, các cơ quan đơn vị doanh nghiệp với sự hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn từ cơ quan y tế địa phương, cũng như cung cấp các đầu mối cung ứng test nhanh đạt chuẩn của Bộ Y tế đảm bảo về chất lượng, hiệu quả và tính chính xác của test nhanh.
Để luôn sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch ở mọi tình huống, cấp độ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo ngành y tế và các địa phương nhanh chóng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; mạnh dạn thực hiện triệt để việc theo dõi, điều trị các ca F0 thể nhẹ, không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà, tại cơ sở; thiết lập kênh kết nối với chính quyền địa phương nơi cư trú, thường trú, tạm trú và kịp thời can thiệp, bóc tách các trường hợp F0 có dấu hiệu trở nặng để chuyển điều trị ở tuyến trên.
Người dân trên địa bàn tỉnh chủ động khai báo y tế, quét mã Code.
Với phương châm của tỉnh Quảng Ninh lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là “chiến sỹ”, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn là “pháo đài” khi chuyển đổi trạng thái cho thấy sự phù hợp với tình hình thực tiễn thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch. Vai trò trung tâm của nhân dân thể hiện trên tất cả mọi mặt hoạt động phòng, chống dịch, từ ý thức phòng ngừa, ngăn chặn, tự giãn cách, tự cách ly, tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, giám sát lẫn nhau, đến đóng góp nguồn lực, tương trợ xã hội, tham gia các tổ tự quản phòng, chống Covid-19 giúp giảm áp lực cho các lực lượng nòng cốt, góp phần hình thành nên “thế trận lòng dân” ứng phó với đại dịch.
Với chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, từ ngày 11/10 tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 600 ca F0 ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mặc dù, đã có thời điểm số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng và xuất hiện các ổ dịch, nhưng dịch bệnh vẫn luôn trong tầm kiểm soát. Nhiều địa phương ở khu vực khó khăn như Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu nhưng cũng đang nhanh chóng làm chủ được tình hình, các khu công nghiệp được hoạt động trở lại trong thời gian ngắn, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gẫy. Học sinh toàn tỉnh vẫn được đến trường học tập. Sức khỏe nhân dân vẫn được bảo vệ an toàn, đặc biệt là những trường hợp mắc Covid-19 đều có triệu chứng từ nhẹ đến không có triệu chứng do đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân test nhanh Covid-19 tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, việc vượt qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3 hồi đầu năm - khi là một điểm dịch của cả nước với số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 trong cả nước; giữ được địa bàn là vùng xanh toàn trong đợt dịch lần thứ 4 trước “cơn bão” biến thể Delta và vững vàng tâm thế khi chuyển đổi trạng thái chống dịch từ “Zero Covid-19” sang sống chung an toàn với dịch bệnh, Quảng Ninh thực sự trở thành điểm sáng, là điển hình trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương trong từng thời điểm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn tỉnh đã vận hành cao nhất cơ chế trong phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương với các kịch bản, quy trình phù hợp với tình hình mới; chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh. Những chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời mang tính tổng thể đã góp phần xử lý kịp thời những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, những điều chỉnh trong chiến lược phòng chống dịch đã đem lại sự chuyển dịch tích cực về kết quả đạt được và được thực tiễn chứng minh. Qua đó càng củng cố và tăng cường hơn niềm tin của nhân dân, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của hệ thống chính trị toàn tỉnh, ngành y tế.
Thực hiện: Lan Hương - Thu Chung
Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt