Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:44 (GMT +7)
Quang Linh Vlogs - từ thanh niên đi xuất khẩu lao động đến đại biểu Đại hội MTTQ
Thứ 5, 17/10/2024 | 23:28:16 [GMT +7] A A
Từ thanh niên đi xuất khẩu lao động ở châu Phi, 8 năm sau, Nguyễn Quang Linh đại diện cho cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc về dự Đại hội đại biểu MTTQ.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đang diễn ra trong không khí sôi nổi. Các đại biểu gửi gắm nhiều tâm tư, kỳ vọng về sự đổi mới, phát triển đến Đại hội.
Lan tỏa hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới
Được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết đến thông qua kênh YouTube "Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở Châu Phi", anh Phạm Quang Linh (SN 1997, quê tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua việc giúp đỡ người dân địa phương phát triển nông nghiệp để cải thiện cuộc sống.
"Cách đây 8 năm, khi rời Việt Nam sang châu Phi, tôi chỉ là thanh niên xuất khẩu lao động, vừa mong muốn làm kinh tế cải thiện đời sống cho gia đình, vừa muốn khám phá thế giới. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ một ngày nào đó sẽ được đại diện cho cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam", Quang Linh bộc bạch bên lề Đại hội.
Quang Linh chia sẻ, khi ở châu Phi, anh thấy đời sống người dân còn rất khó khăn, nhận thức của họ còn hạn chế, nếu chỉ cho "con cá" là đồ ăn thì sẽ không tiến bộ lên được, đất đai họ rộng mà chưa biết làm nông nghiệp.
Vì vậy, Linh cùng những người anh em nghĩ đến việc giúp người dân Angola làm nông nghiệp với cây lương thực chính như ngô, khoai, sắn để cải thiện đời sống. Đặc biệt, thông qua các video trên các nền tảng mạng xã hội, không chỉ người địa phương mà nhiều nơi cũng học hỏi, tham khảo được.
"Tôi cảm thấy rất vui vì sau đó nhiều người được hưởng lợi từ thành quả của mình", chàng trai quê Nghệ An nói.
Phạm Quang Linh cho hay, quá trình làm việc tại Angola, bản thân anh thay đổi nhiều với nhận thức mới. Chàng trai quê Nghệ An tâm niệm, hành động của mình ở nước ngoài không chỉ mang tính cá nhân, mà còn thể hiện hình ảnh quốc gia trên bản đồ quốc tế.
"Những việc làm của tôi và bạn bè được nhiều người quan tâm và người ta không chỉ nhắc đến cá nhân mà còn nói đến đất nước Việt Nam. Qua những hoạt động, tôi mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ bên ngoài đất nước. Đồng thời, từ việc làm của mình có thể làm động lực cho chính những bạn trẻ trong nước", Quang Linh nhấn mạnh.
Về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, Phạm Quang Linh mong góp sức để phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của đất nước.
"Tôi hy vọng thông qua Đại hội lần này, MTTQ Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ bên ngoài đất nước. Đồng thời, tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực với công việc của mình ở nước bạn để tạo thêm động lực cho chính những bạn trẻ trong nước luôn ý thức việc lan toả hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam mình với thế giới", Quang Linh nói thêm.
Kỳ vọng làm giàu trên chính quê hương
Từ vùng núi cao La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về Hà Nội dự Đại hội, anh Giàng A Dê (cá nhân tiêu biểu dân tộc Mông) không giấu được niềm xúc động, tự hào.
Giàng A Dê là trường hợp hiếm hoi trong những người Mông ở vùng đất nghèo khó La Pán Tẩn được học đại học. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Giàng A Dê về làm việc tại Viettel Mù Cang Chải rồi lập gia đình, cuộc sống đối mặt với nhiều khó khăn như bao người khác.
Cho rằng xã La Pán Tẩn đẹp như "nàng công chúa ngủ trong rừng" chưa thức giấc, Giàng A Dê luôn ấp ủ về hướng phát triển kinh tế mới nhưng mãi vẫn bế tắc.
"Thấy những du khách nước ngoài cắm trại ngủ lại bên cạnh bờ suối giữa cơn mưa rừng của vùng cao, tôi nghĩ đến việc xây dựng "nơi ăn, chốn nghỉ" cho những vị khách đến thăm vùng quê nghèo này", Giàng A Dê nói và cho biết anh bắt tay xây dựng khu homestay phục vụ khách du lịch, mô hình tiên phong ở La Pán Tẩn.
Sau nhiều năm đi vào hoạt động với muôn vàn khó khăn, homestay của Giàng A Dê mang lại thu nhập ổn định cho chính gia đình anh và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. An cũng được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp và mô hình du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP.
Về dự Đại hội, Giàng A Dê cho rằng mình không chỉ được giao lưu mà còn học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay để về định hình tại địa phương, xem thiếu cái gì rồi bổ sung cũng như tuyên truyền cho bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế để bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Nói về những kỳ vọng, anh Giàng A Dê mong muốn MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới, triển khai các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả hơn nữa, giúp người dân đặc biệt là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa vươn lên trong cuộc sống.
"Bên cạnh đó, Mặt trận cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa truyền thống của địa phương. Để người dân vùng cao thay đổi nhận thức, có thể lập nghiệp, phát triển kinh tế, thậm chí làm giàu ngay trên địa phương mình mà không phải đi làm thuê ở nơi khác", anh Giàng A Dê kỳ vọng.
Theo Vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()