Những video mang nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh trở thành chủ đề "nóng" tại Lễ ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả trên không gian mạng tại Việt Nam, chiều 27/12. Tại sự kiện, có ý kiến cho rằng, quảng cáo như trên, trong một số trường hợp cũng là tin giả, tin sai sự thật xuất hiện trong thời gian dài, thậm chí còn nguy hiểm bởi chúng liên quan đến sức khỏe con người, dễ tiếp cận đến những người nhẹ dạ cả tin.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, xác nhận tình trạng trên. Theo ông, quảng cáo như "nhà tôi ba đời chữa sỏi thận", "tôi cam kết chữa khỏi 100%"... hoạt động mạnh nhất vào năm 2021, khi "cứ mở YouTube lên là thấy". Do đặc thù của nội dung quảng cáo này liên quan đến nhiều lĩnh vực, đồng thời xuất hiện trên một nền tảng xuyên biên giới, cơ quan quản lý gặp lúng túng trong quá trình đầu khi mới phát hiện.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết tình trạng trên đã giảm trong ba tháng trở lại đây sau khi có sự phối hợp hiệu quả giữa các bên. Ngoài làm việc với Bộ Y tế để xác minh các loại thuốc, nhà thuốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Google và đi đến giải pháp là phát triển một thuật toán chặn lọc.
Khi cơ quan quản lý của Việt Nam phát hiện một nội dung quảng cáo "thần y" như vậy gửi cho Google, họ sẽ dùng thuật toán tìm các video tương tự để ngăn chặn. "Việc phát triển thuật toán mất khoảng sáu tháng và mới được áp dụng từ tháng 9. Sau một tháng, chúng tôi đã chặn được cơ bản các quảng cáo này, không còn xuất hiện trên YouTube", ông Do nói.
Tại Hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2022, hôm 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đàm phán với Google trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng phương thức nhanh hơn. Trong sáu tháng cuối năm, nền tảng này đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo vi phạm theo yêu cầu của Việt Nam.
Trước đó, từ cuối 2020 đến đầu 2022, nhiều người dùng YouTube tại Việt Nam từng bị "dội bom" bởi các quảng cáo chữa bệnh trên nền tảng khi chúng xuất hiện dày đặc trên mọi nội dung, cho mọi lứa tuổi và đối tượng người xem.
Các chuyên gia về quảng cáo khi ấy đánh giá, người đứng sau có thể đã chọn phương thức quảng cáo "mass" - tức là đưa các nội dung này phủ sóng rộng nhất có thể, không cần biết người xem có nhu cầu hay không. Do đây là ngành có lợi nhuận cao, các chủ cơ sở chấp nhận chi tiền để hiển thị quảng cáo nhiều nhất có thể, hoặc cũng có thể đã mua quảng cáo từ những tài khoản bị hack trên thị trường chợ đen.
Chính sách của Google cũng hạn chế quảng cáo thuốc theo toa được phân phối trên nền tảng của họ. Tuy nhiên khi ấy, đại diện Google không giải thích vì sao các quảng cáo thuốc nói trên vẫn được duyệt. Đơn vị này chỉ khẳng định "khi phát hiện quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ".
Ý kiến ()