Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:17 (GMT +7)
Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Thứ 4, 16/11/2022 | 14:28:20 [GMT +7] A A
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì hội nghị.
Cùng chủ trì có các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo những nội dung chính của Nghị quyết.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện.
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục-đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỷ lệ lấp đầy còn thấp.
Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngành dịch vụ phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỷ lệ đường cao tốc thấp.
Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp. Văn hóa-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra...
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết đưa các nhóm quan điểm cùng các mục tiêu và giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Nổi bật là:
Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là các ngành như: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi, các ngành kinh tế biển mới...
Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; kết nối trong nước và quốc tế, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của vùng.
Về văn hóa-xã hội, cần tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng. Thực hiện đồng bộ ba chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh...
Sau quán triệt nội dung Nghị quyết, hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày Chương trình Hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc Hội trình bày Chương trình Hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết; các đại biểu tham luận bàn về giải pháp quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
Tổng Bí thư đồng thời nhấn mạnh cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nơi "mặt tiền", địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Theo Tổng Bí thư, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống; thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch; giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt, cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh. Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, tiếp tục phát huy truyền thống, cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()