Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:19 (GMT +7)
Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam
Thứ 4, 18/05/2022 | 16:02:33 [GMT +7] A A
Ngày 18/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, chủ trì. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Nghị quyết số 06-NQ/TW xác định mục tiêu tổng quát về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là "đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.
Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 có khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.
Tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị luôn được Quảng Ninh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ. Kể từ năm 2012, tỉnh đã thuê các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín quốc tế triển khai lập 7 quy hoạch chiến lược trên các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh làm tiền đề khơi thông các nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa, hệ thống đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Quy hoạch đô thị tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 06 đã đề ra; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác lập, quản lý quy hoạch về tiến độ, chất lượng; tăng cường công tác phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác nhằm huy động các tư vấn, chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế trong công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư thực hiện theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch đầu tư trong các bước lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đến tổ chức công bố công khai, cắm mốc quy hoạch đô thị theo quy định; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm và hạ tầng xã hội; quản lý phát triển khu đô thị mới, cải tạo khu đô thị cũ, bảo tồn di sản và cảnh quan đặc trưng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý quy hoạch, quản lý đô thị đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, đã gợi mở một số nội dung để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 thời gian tới. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này; đồng thời, phải thấy rằng, đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, sớm xây dựng chương trình kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ phải có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng nên công tác bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.
Để việc quản lý đô thị được tốt hơn, hiệu quả hơn cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý thống nhất của Trung ương; đồng thời, cần phát huy khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần sớm ban hành chương trình hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết đảm bảo sát các nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng…
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()