Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:49 (GMT +7)
Quan trắc khí tượng hải văn và tầm quan trọng của dự báo thiên tai từ biển
Chủ nhật, 18/04/2021 | 14:51:52 [GMT +7] A A
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000km với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, nơi có nhiều ngành kinh tế phát triển, hiện đang mang lại sinh kế cho khoảng 1/2 dân số cả nước. Tuy nhiên, vùng ven biển Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên, gây thiệt hại đáng kể về người và kinh tế.
Lắp đặt Trạm rada thời tiết tại Đảo Hòn Tre, Nha Trang |
1. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi thiên tai (báo cáo năm 2020), có khoảng 12 triệu người dân ở các tỉnh ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và hơn 35% các khu dân cư nằm dọc bờ biển đang bị xói lở.
Ngành du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, tuy nhiên có đến 42% các khách sạn xây dựng ở khu vực ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở.
Hàng năm, người dân sinh sống ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai như: Bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, hạn hán hoặc xâm nhập mặn. Trong đó, bão và nước dâng bão được coi là một trong các loại hình thiên tai có nguy cơ gây rủi ro cho tất cả các vùng ven biển Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm phát triển mạng lưới quan trắc biển đảo phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đất liền.
Nhờ có các trạm quan trắc khí tượng, hải văn biển sẽ giúp cơ quan dự báo giám sát điều kiện thời tiết hải văn và sau này đánh giá xu thế biến đổi khí hậu, thời tiết khí hậu, nước biển dâng. Có đầy đủ thông tin để đánh giá các đặc trưng thủy triều cũng như các dao động dâng/rút do bão, gió mùa góp phần đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và công tác chỉ đạo phóng tránh và giảm thiểu thiệt hai do thiên tai biển, vùng ven biển hay trên đất liền.
Tầm quan trọng là vậy nhưng do điều kiện thiên nhiên, công tác quản lý bảo vệ, bảo dưỡng trang thiết bị quan trắc trên biển gặp nhiều khó khăn (những năm 2000 đã có một số trạm phao thả trôi trên biển nhưng đã bị các đối tượng phá hỏng). Trên cả vùng biển rộng lớn, mạng lưới quan trắc trên biển, đảo hay ven biển mới chỉ có rất ít trạm quan trắc cố định để phục vụ cho công tác dự báo biển.
Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng hải văn biển đã phát triển được 26 trạm quan trắc trên các điểm đảo và vùng ven biển cung cấp các chuỗi số liệu quan trọng. Trong đó có 2 trạm quan trắc mực nước biển (Quy Nhơn và Vũng Tàu) đã hòa vào mạng lưới quan trắc đại dương toàn cầu IOC. Số lượng này còn rất ít ỏi song nó đã là một nỗ lực rất lớn trong điều kiện thực tế của Đất nước.
Để khắc phục hiện trạng thiếu số liệu quan trắc trên biển, ngành KTTV đã khai thác thông tin qua vệ tinh của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu, ngoài ra sử dụng số liệu quan trắc trên các tàu hành trình trên biển để phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển. Bên cạnh đó, mạng lưới 10 trạm rada thời tiết ven biển được đầu tư mới và nâng cấp thông qua các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ hiệu quả cho dự báo, cảnh báo khi bão gần bờ.
2. Những nỗ lực từ mạng lưới quan trắc, dự báo KTTV trong vòng 10 năm qua đã góp phần nâng cao thời hạn cảnh báo bão sớm trước 05 ngày; Dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 03 ngày; Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; Cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; Cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%. Đây là một nỗ lực không nhỏ của toàn bộ hệ thống mạng lưới KTTV.
Ông Đào Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực I - cho biết: “Những năm gần đây, thời hạn bản tin cảnh báo, dự báo ví dụ như dự báo bão, áp thấp đã dài hơn lên tới 5 ngày, các bản tin đã thiết thực và cụ thể hơn phục vụ hữu hiệu cho công tác xây dựng, lập kế hoạch và triển khai tìm kiếm cứu nạn của đơn vị trên vùng biển Vịnh Bắc bộ từ Quảng Bình trở ra Bắc bộ.
Trong tác nghiệp gần đây, chúng tôi được tiếp nhận nhiều những sản phẩm dự báo phục vụ trên biển rất hữu ích từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia như các bản tin ứng dụng công nghệ dự báo lan truyền chất ô nhiễm, vật thể trôi trên biển phục vụ tìm kiếm cứu nạn an ninh hàng hải. Những bản tin thiết thực này được thiết lập khi có các vụ việc xảy ra trên biển. Thông tin này được chia sẻ trong hệ thống các lực lượng tìm kiếm cứu nạn quốc gia...”.
Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của các trạm quan trắc KTTV trong đó có có các trạm khí tượng, hải văn trên các vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi điểm trạm đã và đang là những điểm chốt tiền tiêu quan trọng cung cấp những chuỗi số liệu vô cùng giá trị cho công tác dự báo.
3. Trong tương lai gần, những rủi ro thiên tai do bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn cho khu vực ven biển được dự báo có nguy cơ sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực ven biển Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đề xuất một số hành động, trong đó có nhiệm vụ “Nâng cấp hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm”.
Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững thì tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển là thực sự cần thiết và cấp bách. Giáo sư Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV - cho hay: Ngành KTTV đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc, nâng cao tỉ lệ các trạm quan trắc tự động, hình thành hệ thống thông tin chuyên dùng để tổng hợp các cơ sở dữ liệu tập trung, đầu tư máy tính có hiệu năng cao, áp dụng công nghệ dự báo mang tính đột phá để bản tin dự báo có sự chuyển biến, đáp ứng được nhu cầu, độ tin cậy về tính kịp thời và hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2030 phải phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng hải văn theo hướng tăng dầy mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có. Phát triển các loại trạm hải văn dạng phao di động và phao cố định trên các vùng biển ngoài khơi nơi không có trạm đảo đạt mật độ 100km một trạm đến năm 2030, đạt mật độ 50km một trạm đến năm 2045. Tự động hóa 100% các trạm khí tượng ven biển”.
Với một đất nước quanh năm “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như Việt Nam, việc quan tâm phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng, hải văn biển từ xa sẽ giúp cho Việt Nam chủ động trước mọi diễn biến của các thiên tai từ biển.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()