Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 09:34 (GMT +7)
Quần thể di sản Yên Tử "vượt bão"
Chủ nhật, 22/09/2024 | 08:04:34 [GMT +7] A A
Chịu tác động không nhỏ của bão Yagi, các di tích thuộc Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trên địa bàn 3 địa phương Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên của tỉnh, bị những thiệt hại nhất định. Trong đó, nặng nhất là hệ thống cây xanh nằm trong khuôn viên các điểm di tích và khu rừng quốc gia Yên Tử…
Theo chia sẻ của lãnh đạo Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, sau bão Yagi, nhiều điểm di tích tại Yên Tử bị thiệt hại đã sớm được đơn vị thống kê, đánh giá cụ thể.
Trong đó, hầu hết các khu vực từ chùa Trình, Suối Tắm, Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, Hoa Yên, chùa Một Mái đến chùa Bảo Sái đều bị gãy đổ nhiều cây to, như thông, bồ đề, xích tùng, xoan… Đặc biệt, tuyến đường tùng cổ từ khu vực Giải Oan - Đường Tùng - Hòn Ngọc có 3 cây tùng cổ đổ bật gốc, 3 cây bị gãy ngọn.
Cơ sở vật chất tại điểm di tích cũng bị ảnh hưởng, như đổ gãy các biển bảng, tốc sập mái ngói, mái tôn một số dãy nhà, sạt lở đất của taluy đường lên chùa, bong tróc đường, đổ gãy hàng rào bảo vệ, hư hỏng hệ thống điện...
Đáng mừng là các kiến trúc chùa am tháp của Yên Tử chỉ bị ảnh hưởng nhỏ. Nặng nhất là khu vực chùa Cầm Thực bị tốc một phần mái ngói Tam quan, hư hỏng một số đồ thờ bằng đá tại tượng Quan âm khu vực sân chùa. Khu rừng Quốc gia Yên Tử bị tổn thất nặng vì nhiều cây rừng bị gãy ngọn và dập nát…
Bên cạnh đó, các tuyến đường hành hương cũng bị thiệt hại nhất định, cây to đổ gãy ngang đường ở nhiều khu vực. Đơn cử, cầu đá tại lối đi bộ qua suối Giải Oan bị gãy sập hoàn toàn cùng với một phần cầu gỗ tại đây. Tuyến đường vào khu di tích từ quốc lộ 18 đến bến xe Hạ Kiệu vốn gây ấn tượng bởi hàng cây bồ đề, hoa ban… thì sau bão nhiều cây bị gãy đổ, một số điểm bị sạt lở, lún sụt... Đường ranh giới phía Nam từ chùa Lân sang trạm bảo vệ rừng số 3 (giáp với xã Tràng Lương, TX Đông Triều) có một số điểm sạt lở gây cản trở việc tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng…
Nằm ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, khu di tích lịch sử Bạch Đằng cũng bị nhiều thiệt hại. Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Bạch Đằng, cho biết: Các kiến trúc của di tích thì không bị ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn bị thấm dột, phải xử lý. Cây cối trong khuôn viên đổ la liệt, như cây ở khu rừng lim bị vặn nát, cả chục cây to bị bật gốc, gãy ngọn, gãy cành... Thiệt hại về cây cối là không thể tính hết bằng tiền.
Sau bão, chúng tôi kéo cành, quét lá, dọn mấy ngày liền mới xong. Đồng thời cho dựng những cây chính tránh cây đổ vào miếu, đền. Sớm tiến hành cắt tỉa, dựng lại để cứu những cây to, lâu niên tạo vẻ đẹp cảnh quan cho di tích. Việc khắc phục tương đối khó khăn vì thiếu máy móc, phương tiện phù hợp vì tình trạng quá tải sau bão. Ngày 20/8 Âm lịch là Giỗ đức thánh Trần, kế hoạch đã chuẩn bị rồi nhưng có lẽ chúng tôi sẽ chỉ làm phần lễ chứ không làm phần hội.
Tương tự như Yên Tử, Bạch Đằng, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều chủ yếu bị gãy đổ hệ thống cây xanh to, đẹp. Nhiều di tích là những công trình lợp mái tôn, fibro xi măng, mái ngói cũng bị bay, tốc mái (như chùa quán Ngọc Thanh), rồi đổ tường… Vì vậy, các đơn vị quản lý đã phối hợp với địa phương, các LLVT trên địa bàn tiến hành cắt tỉa cành, cố gắng trồng lại một số cây to, dọn dẹp vệ sinh di tích sau bão.
Lý giải về việc các kiến trúc cổ của di tích ít bị ảnh hưởng bởi bão gió, ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VHTT TX Quảng Yên, nhận xét: Các kiến trúc truyền thống được cha ông ta làm rất cẩn trọng, kiên cố, kỹ thuật dựng nhà, làm cấu kiện rất bền vững trước gió bão, ngói lợp nhiều lớp. Vì vậy, như ở Quảng Yên, đa phần mái di tích gặp bão chỉ bị tốc một phần, bong tróc lớp bên trên rồi một số đầu đao, con giống trang trí trên mái di tích bị thổi bay… Quảng Yên đã ra văn bản ngày 10/9 về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão với các di tích trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các địa phương, ban quản lý di tích thực hiện dọn vệ sinh môi trường, gia cố, chằng chống, xử lý tạm thời để chống dột, chống sập, bảo vệ các hiện vật, cổ vật, đồ thờ trong di tích. Khôi phục lại hoạt động tín ngưỡng, tham quan du lịch ở các tuyến, điểm du lịch, di tích phục vụ nhu cầu người dân, du khách…
Ông Ngô Đình Dũng cho hay, kinh phí cho việc gia cố, xử trí tại chỗ, khắc phục, thay thế từ nguồn công đức của di tích và nguồn xã hội hoá. Quảng Yên đặt mục tiêu là trước 15/9, di tích Bạch Đằng có thể hoạt động bình thường, đón khách trở lại.
Có tính chủ động cao, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cùng với việc đánh giá thiệt hại cũng đưa ra những đề xuất và kiến nghị cụ thể trong việc sửa chữa kịp thời các điểm bị tổn thất, như: Cầu đá tại suối Giải Oan, nhà bán vé Tây Yên Tử và khu vực Giải Oan, hệ thống điện tại các trạm bảo vệ rừng, khắc phục các điểm sạt lở… Những ngày qua, địa phương và các đơn vị của TP Uông Bí đã kịp thời huy động lực lượng dọn dẹp, xử lý cây gãy đổ và sạt lở đất đá, giải phóng các lối hành hương, đồng thời trả lại sự sạch sẽ, vẻ đẹp tự nhiên cho di sản.
Khu vực dịch vụ dưới chân núi Yên Tử cũng bị ảnh hưởng mạnh do bão, từ hệ thống cây xanh bị gãy đổ, mất điện, nước, viễn thông kéo dài, tình trạng ngập lụt ở một số khu vực… Doanh nghiệp khai thác tại đây là Công ty CP Phát triển Tùng Lâm có sự chủ động chuẩn bị từ sớm, sau bão nhanh chóng khắc phục thiệt hại, duy trì chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ngay cả trong và sau bão, đã đón tiếp chu đáo nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến với Yên Tử cho tới nay.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()