Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:28 (GMT +7)
Phát triển các môn thể thao dân tộc
Thứ 7, 09/10/2021 | 08:14:07 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, cư trú lâu đời. Bắt nguồn từ đời sống, truyền thống văn hoá, nhiều trò chơi đã hình thành, từng bước phát triển thành những môn thể thao hấp dẫn, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nam thanh, nữ tú các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ... đều rất mê bắn nỏ. Trong các dịp tết, ngày hội văn hoá thể thao được tổ chức như ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên... môn bắn nỏ luôn có đông người tham gia. Trong mỗi cuộc chơi của thanh niên vùng cao, môn bắn nỏ có nhiều cách chơi như bắn trúng đích xa, gần. Muốn bắn giỏi, người bắn phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khoẻ, đôi mắt tinh nhanh.
Đẩy gậy cũng là môn thể thao không thể thiếu tại vùng cao. Đây là trò dễ chơi nhưng cần đến sức khỏe và sự khéo léo, dẻo dai của người chơi trong cuộc đấu tay đôi. Để tổ chức thi đấu môn đẩy gậy, chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre hay gỗ tốt có chiều dài 2m, được sơn 2 màu đỏ và trắng, khi chơi hay thi đấu người ta vẽ một vòng tròn có đường kính 5m, có vạch giới hạn phân chia hai người chơi nằm trong phạm vi của sân. Theo quy định luật chơi, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc.
Từ những trò chơi được đồng bào các dân tộc sáng tạo để vui chơi, giải trí, dần dần đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, đánh quay... đã trở thành những môn thể thao độc đáo, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, để từ một trò chơi dân gian trở thành môn thể thao thi đấu, cần có những thay đổi nhất định. Nếu trong văn hóa của đồng bào các dân tộc, môn ném còn không phân biệt thứ tự người ném, số lần ném mà đơn giản chỉ quan tâm khi đến việc quả còn được ném qua vòng tròn, thì trong thi đấu thể thao, những yếu tố này là bắt buộc. Riêng môn đẩy gậy, sau khi được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng các cấp và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, điều kiện kỹ thuật và chiến lược chơi trở thành yếu tố tiên quyết, thay vì chỉ cần thể lực tốt như khi tiến hành tại các lễ hội cộng đồng.
Bên cạnh đó, khi trở thành môn thi đấu, các môn thể thao dân tộc không còn là câu chuyện của riêng mỗi cộng đồng, mà đã được luật hóa. Điều 17 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 có quy định về các môn thể thao dân tộc, theo đó Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hoá; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số.
Tại Quảng Ninh, để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc, xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, thành lập các liên đoàn thể thao dân tộc; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thi đấu và tăng ngân sách đầu tư cho bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc. Nhiều môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đua thuyền chải, võ cổ truyền, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh, tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc. Từ các cuộc thi đấu này, nhiều môn thể thao dân tộc đã được bảo tồn, phát triển và nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao), mỗi dân tộc ở Quảng Ninh đều có nét văn hóa đặc trưng và môn thể thao được yêu thích. Hầu hết các môn thể thao dân tộc đều được chơi theo hình thức tập thể, vì vậy thường được tổ chức giao lưu, thi đấu vào các dịp lễ, hội, với sự tham gia cổ vũ của đông đảo nhân dân. Qua những hội thi, giải đấu không chỉ mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, mà còn là nguồn động viên, khích lệ người dân rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất và học tập. Đặc biệt, những giải đấu tại lễ hội đã góp phần bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, nét văn hóa quý giá của người dân vùng cao bao đời để lại.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()