Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:29 (GMT +7)
Quan tâm đến xây dựng xã hội học tập
Thứ 4, 02/11/2022 | 07:11:58 [GMT +7] A A
Phát huy truyền thống hiếu học, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác xây dựng xã hội học tập. Từ những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, đến nay phong trào khuyến học, khuyến tài trong tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2002, Hội Khuyến học Quảng Ninh được thành lập. Tuy ra đời muộn hơn nhiều tỉnh, thành khác nhưng Hội đã nhanh chóng phát triển. Hệ thống tổ chức Hội sau 20 năm thành lập đã phủ kín đến thôn, bản, khu phố, tổ dân. Tỷ lệ hội viên so với dân số cao hơn so với bình quân của cả nước. Tổ chức Hội đã được thành lập ở 100% huyện, thị xã, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn. Hiện tại, toàn tỉnh có 309 hội, 2.455 chi hội, 1.705 ban khuyến học. Số hội viên lên tới trên 454.900 người, đạt 32,9% dân số.
Nhờ sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức Hội, các hoạt động, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai nhanh chóng, có sức lan tỏa rộng rãi đến các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 71,4% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 62,2% số dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 81,9% số cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 82,9% số đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” và 121.354 người đăng ký danh hiệu “Công dân học tập”.
Đáng nói, Hội Khuyến học các cấp còn phối hợp cùng ngành Giáo dục tỉnh tập trung xây dựng bộ máy quản lý, xây dựng cơ sở vật chất, nội dung học tập, huy động nguồn lực xã hội và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thích ứng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Vì thế mà việc tổ chức giảng dạy, học tập trong các trung tâm học tập cộng đồng được duy trì thường xuyên, liên tục, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập, thực hiện có hiệu quả phương châm “Cần gì học nấy”, “Học tại chỗ” gắn với yêu cầu phát triển kinh tế, tổ chức cuộc sống.
Qua đó, góp phần đáng kể vào việc đào tạo nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề. 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống này cũng đã mở được 1.379 lớp với trên 116.100 lượt người học, xứng đáng là một thiết chế trong hệ thống giáo dục thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy xã hội học tập phát triển.
Đặc biệt, chủ trương đa dạng hóa loại hình Quỹ khuyến học tiếp tục được các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh triển khai thực hiện tích cực, trong đó có: Quỹ khuyến học khu dân cư, Quỹ khuyến học dòng họ, Quỹ khuyến học gia đình, Quỹ khuyến học cơ quan, Quỹ khuyến học trường học...
Cuộc vận động “Ba đỡ đầu” do Hội Khuyến học phát động mang tính nhân văn sâu sắc, đến nay cũng đã có sức lan tỏa rộng rãi. Thông qua các hình thức như: Trợ giúp 1 lần, trợ giúp trong quá trình học phổ thông, trợ giúp từ học phổ thông đến đại học… phong trào “Ba đỡ đầu” đã bắc nhịp cầu để các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật thực hiện ước mơ tới trường. Nhiều học sinh trong số này đã đạt kết quả cao, có việc làm thích hợp sau khi tốt nghiệp. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có trên 1.600 học sinh được trợ giúp, trong đó có 824 học sinh nghèo vượt khó, 265 học sinh khuyết tật, 578 học sinh giỏi.
Ông Hồ Chí Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở tổ chức Hội và hội viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp huyện và cấp tỉnh, các trường học, cơ sở đào tạo. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình học tập theo bộ tiêu chí mới, lấy việc phát triển mô hình “Công dân học tập” là hạt nhân để xây dựng vững chắc xã hội học tập, tạo cơ sở nền tảng cho việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, hình thành các cộng đồng học tập ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()