Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:27 (GMT +7)
Quan tâm đến những bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao
Thứ 7, 28/09/2024 | 10:12:50 [GMT +7] A A
Năm học 2024-2025, cùng với nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học còn đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức ăn bán trú. Đối với các huyện vùng cao, vấn đề này càng được quan tâm, bởi làm tốt công tác tổ chức ăn bán trú sẽ góp phần cải thiện, đảm bảo dinh dưỡng, thể lực cho trẻ vùng DTTS.
Theo ghi nhận, hiện nay, huyện Bình Liêu có 21/22 trường tổ chức ăn bán trú. Trong đó, cấp mầm non có 8 trường tổ chức ăn trưa cho trẻ (bán trú ngày); cấp tiểu học có 7 trường (1 trường tổ chức ăn bán trú ngày, 6 trường có cả học sinh bán trú ngày và bán trú tuần); cấp THCS có 6 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú ngày và bán trú tuần.
Là một trường còn nhiều khó khăn, năm học này, Trường THCS Húc Động (huyện Bình Liêu) có 226 học sinh, trong đó có 31 học sinh ăn nghỉ bán trú tuần. Những học sinh này chủ yếu ở xa trường, hoặc từ nhà đến nơi học địa hình cách trở, không thể đến trường và trở về nhà trong ngày, hoặc không thể về nhà và đến trường giữa 2 buổi học.
Với Nghị quyết số 22, ngày 31/10/2023 (Nghi quyết 22) của HĐND tỉnh, trong đó có nội dung: Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú, học sinh ăn bán trú của nhà trường được nhận số tiền 720 nghìn đồng/tháng. Với những gia đình đông con, đây là sự hỗ trợ đáng kể.
Thầy giáo Vi Tiến Hải, Hiệu phó Trường THCS Húc Động (huyện Bình Liêu) cho biết: Nếu không được hưởng hỗ trợ tiền ăn bán trú, các em học sinh ở trường có nguy cơ nghỉ học. Kể cả một số gia đình nỗ lực cho con em đến trường, bữa cơm mang theo cũng không đảm bảo dinh dưỡng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, tại Trường THCS Húc Động, hằng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đều chú trọng, quan tâm đến việc đảm bảo an toàn các bữa ăn bán trú cho học sinh. Nhà trường chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà ăn luôn phải nhắc nhở các em rửa tay trước khi ăn.
Em Lỷ Như Anh (học sinh lớp 8A, Trường THCS Húc Động) chia sẻ: "Nhà em ở thôn Sú Cáu, cách trường hơn 7 km. Chúng em ở lại khu nội trú của trường để việc học tập và sinh hoạt thuận tiện. Ở đây, chúng em được các thầy, cô giáo chăm sóc, chỉ bảo tận tình, như người cha, người mẹ thứ hai của chúng em. Bếp ăn của chúng em luôn có những bữa ăn ngon, nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh ATTP. Vì thế, em rất thích được đi học.
Thời gian qua, Quảng Ninh luôn dành nguồn lực đầu tư rất lớn cho sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa nhằm hiện thực hoá mục tiêu đảm bảo cho học sinh mọi nơi đều bình đẳng để tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất. Theo đó, cùng với việc đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện cho việc dạy và học, hoạt động ăn nghỉ bán trú cũng được tỉnh, các địa phương, các nhà trường đặc biệt quan tâm.
Từ năm 2021 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 11 nghị quyết về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục góp phần đổi mới, phát triển GD&ĐT của tỉnh. Trong đó có Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 31/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã đã ra khỏi vùng khó khăn và thôn, xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh dành khoảng 31,3 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí tổ chức dạy hè, tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn, kinh phí chăm sóc cho học sinh bán trú... tại các xã ra khỏi diện khó khăn; các thôn, xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Chính sách này có tác động tích cực đối với giáo dục tại địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.
Đáng chú ý, triển khai Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh” năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi.
Để đạt chỉ tiêu này, các cơ sở giáo dục mầm non phải không ngừng nâng cao chất lượng bữa ăn, đa dạng hóa khẩu phần ăn, gắn với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn. Mặt khác, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh về việc cho trẻ đi học chuyên cần; vận động xã hội hóa kinh phí hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của người dân để nâng cao chất lượng khẩu phần ăn, cải thiện bữa ăn tại trường cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang theo học tại các trường mầm non trên địa bàn.
Quan tâm, chăm lo cho giáo dục vùng cao, cụ thể là các bữa ăn bán trú sẽ giúp học sinh vùng khó, vùng DTTS được cải thiện dinh dưỡng. Nhờ đó, khoảng cách giáo dục giữa miền núi và đồng bằng từng bước được thu hẹp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng DTTS và miền núi nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Lan Anh
- Giáo dục vùng cao nỗ lực vượt khó
- Hạ Long: Quan tâm đầu tư hạ tầng các xã vùng cao
- Tặng quà học sinh vùng cao nhân dịp năm học mới
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn học đường
- Giáo dục truyền thống trong trường học ở Bình Liêu
- Tiên Yên: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
- Chú trọng giáo dục thể chất cho trẻ ở các trường mầm non
Liên kết website
Ý kiến ()