Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
Quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đê Bình Dương - Nguyễn Huệ
Thứ 2, 04/04/2022 | 10:09:46 [GMT +7] A A
Trời mưa thì đường đê nhão nhoét, trời nắng thì bụi mù gây khó khăn cho việc đi lại; mái đê nhiều vị trí bị sạt lở không đảm bảo cho việc phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân... Đây là những gì xảy ra tại tuyến đê Bình Dương - Nguyễn Huệ (TX Đông Triều), nhiều cử tri đang phản ánh.
Tuyến đê Bình Dương - Nguyễn Huệ dọc sông Kinh Thầy trên địa bàn TX Đông Triều có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hàng nghìn người dân và nhiều diện tích canh tác nông nghiệp. Sau mấy chục năm được đầu tư, trải qua nhiều mùa mưa bão, tuyến đê đất vốn nhỏ, thấp, xuất hiện một số điểm sạt lở, lún, nứt, khiến chính quyền và người dân ở ven tuyến đê này rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thành (thôn 2, xã Nguyễn Huệ) cho biết: “Có những đợt mưa to, nước từ thượng nguồn mấp mé vượt qua mặt đê, người dân đi lại rất khó khăn. Đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí cải tạo tuyến đê, đảm bảo an toàn cho việc đi lại và sản xuất được thuận lợi hơn”.
Hệ thống đê đi qua các xã Nguyễn Huệ, Thủy An, Việt Dân, Bình Dương hiện do TX Đông Triều quản lý, bảo vệ. Các tuyến đê được đầu tư từ năm 1980 theo hình thức đắp thủ công, tổng chiều dài trên 7.000m; nhiệm vụ của đê là phòng chống nước lũ từ sông Đông Mai, sông Cầm Đạm chảy qua sông Kinh Thầy và bảo vệ 850ha đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân sinh sống trong tuyến đê; đồng thời, hệ thống đê kết hợp làm đường giao thông liên xã phục vụ cứu hộ, cứu nạn trong khu vực.
Trên địa bàn TX Đông Triều hiện có hơn 46km đê nằm dọc sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc. Tuyến đê phía tả sông Kinh Thầy được xác định là vùng trọng điểm số 2 của tỉnh. Năm 1971 ở đây đã từng xảy ra vỡ đê; năm 1996, mưa bão đã làm ngập lụt, hư hại nhiều đoạn. Đông Triều là vùng kinh tế lớn, mật độ dân cư đông, nếu sự cố về tuyến đê xảy ra sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều năm nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã chú ý việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn. Tuy nhiên, do việc đầu tư không đồng bộ, nhiều vị trí xung yếu trên tuyến đê đang có nguy cơ xuống cấp, cần được tu bổ.
Tuyến đê đã được tôn tạo đến cao trình +5,3 nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng mạch đùn khi có chênh lệch đầu nước lớn. Đáng bàn, một số vị trí trên mái đê đã bị xói lở, bào mòn thành các rãnh lớn, song vẫn chưa được bồi đắp lại. Không chỉ làm nhiệm vụ chống lũ, tuyến đê còn là trục giao thông quan trọng. Tuyến đê đang bị xuống cấp, một số cống dưới đê, nhiều cống ngắn, tiêu năng bị xói, cánh cửa bị mục, bị rò nước nhiều... không bảo đảm an toàn chống lũ và phát triển giao thông.
Hệ thống đê Bình Dương - Nguyễn Huệ đã được UBND tỉnh phê duyệt (tháng 3/2011) "Theo chương trình nâng cấp hệ thống đê sông tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ", nhưng đến nay ngân sách trung ương chưa bố trí được vốn đầu tư. Trong khi chờ đợi nguồn vốn, người dân vẫn đang phải hằng ngày chứng kiến, lo lắng tình trạng xuống cấp nhanh của tuyến đê. Ông Dương Doãn Chăm, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ, cho biết: “Thời gian qua, tuyến đê chính của xã đã được đầu tư, nhưng đến nay bị xuống cấp nghiêm trọng. Rất mong được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện đầu tư nâng cấp tuyến đê đảm bảo an toàn”.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nguyện vọng của cử tri sống dọc theo tuyến đê Bình Dương - Nguyễn Huệ cần sớm được cải tạo, nâng cấp là hoàn toàn chính đáng. Hơn hết, việc sớm triển khai dự án nâng cấp không chỉ giải quyết những hệ quả do đê xuống cấp gây ra bấy lâu, mà còn giúp cho việc đi lại được thuận tiện, dễ dàng cũng như đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()