Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:29 (GMT +7)
Quan tâm đặc biệt cho phát triển nguồn nhân lực
Thứ 4, 12/01/2022 | 08:42:31 [GMT +7] A A
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ càng đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, nhiều năm qua Quảng Ninh luôn coi phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá phát triển KT-XH của tỉnh. Năm 2022, vấn đề này tiếp tục được tỉnh đặc biệt ưu tiên, đưa vào chủ đề công tác năm là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Với tinh thần chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm, cùng quyết tâm đổi mới, trong đó coi trọng GD&ĐT, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá; tạo đà để Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.
Diện mạo mới
Trong phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh xác định GD&ĐT cần được quan tâm hàng đầu. 2 năm đương đầu với đại dịch, Quảng Ninh đã gặp không ít thách thức, khó khăn, tuy nhiên, ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT vẫn chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Hệ thống giáo dục của tỉnh không ngừng được đầu tư, mở rộng, nâng cấp về cơ sở vật chất, tạo nên diện mạo khang trang, môi trường giáo dục hiện đại. Để từ đó, mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui, thúc đẩy, khuyến khích các em thỏa sức thể hiện đam mê, trí tuệ, khả năng sáng tạo.
Dự án đầu tư mở rộng Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) là một trong những công trình đặc biệt của ngành Giáo dục Quảng Ninh được triển khai và hoàn thành năm 2021. Đây là ngôi trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, thành tích và 4 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao Động. Suốt chiều dài phát triển, ngôi trường này đã rèn luyện, bồi dưỡng biết bao hiền tài, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho tỉnh nhà và cho đất nước. Cũng chính bởi vậy, ý tưởng mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất cho trường ngay từ đầu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thế hệ học sinh, phụ huynh, nhân dân trong tỉnh.
Những học sinh, giáo viên đã dạy và học tại Trường THPT Hòn Gai hẳn vẫn còn nhớ các công trình trước đây của trường được đầu tư xây dựng từ lâu. Nhiều hạng mục đã xuống cấp, diện tích cây xanh hạn chế. Một số phòng học có diện tích nhỏ, không đáp ứng tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Trường cũng thiếu diện tích phục vụ hoạt động giáo dục thể chất ngoài trời và diện tích sân vui chơi cho học sinh…
Nguyễn Hoàng Cường, cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, cũng là thí sinh vô địch chung kết Olympia năm 2018, phấn khởi chia sẻ: Em thấy vui, tự hào khi nhắc về mái Trường THPT Hòn Gai, nơi đã nuôi dưỡng, rèn luyện em trưởng thành. Em thấy ngôi trường sau khi nâng cấp rất khang trang, hiện đại, rộng rãi, xứng tầm với sự phát triển của nhà trường và của tỉnh.
Cô giáo Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, cho biết: Dự án đầu tư mở rộng Trường THPT Hòn Gai được khởi công từ ngày 12/4/2021, trên diện tích hơn 19.900m2, trong đó mở rộng trên 9.200m2. Trường được xây dựng mới nhà học 6 tầng, trong đó từ tầng 2 đến tầng 6 thiết kế 15 phòng học lý thuyết. Xây mới khối nhà văn phòng 5 tầng, nhà đa năng 2 tầng, sân giáo dục thể chất. Không chỉ vậy, trường còn được cải tạo lại các khối nhà học hiện trạng để đồng bộ kiến trúc với khối nhà học xây mới. Đến thời điểm hiện tại, công trình đã thi công hoàn thành tất cả các hạng mục, đủ điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng.
Cũng theo chia sẻ của cô giáo Vũ Thị Phượng, việc đầu tư cải tạo, mở rộng Trường THPT Hòn Gai là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp nhà trường đảm bảo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, phục vụ tốt hơn nữa công tác dạy và học của nhà trường, hướng tới mục tiêu đào tạo ngày càng nhiều hơn các học sinh giỏi toàn diện cả về kiến thức, phẩm chất đạo đức và thể chất. Đồng thời, tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan tại khu vực trung tâm của thành phố, tạo bước đột phá trong công tác đầu tư, phát triển cho ngành Giáo dục.
Cùng với dự án đầu tư mở rộng Trường THPT Hòn Gai, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công trình giáo dục mới được đầu tư, nâng cấp. Qua đó, một lần nữa khẳng định, Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, cho học sinh. Theo Sở GD&ĐT, năm 2021 các địa phương trong toàn tỉnh tiến hành xây mới 494 phòng học văn hóa, phòng học bộ môn và một số hạng mục phụ trợ. Khối trực thuộc Sở đã tiến hành cải tạo, sửa chữa 19 trường với 105 phòng học và các hạng mục phụ trợ đã xuống cấp. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 87,81%.
Thực tế cho thấy, đi cùng với sự quan tâm về cơ sở vật chất, tỉnh còn ban hành rất nhiều chính sách đặc thù, riêng biệt, đãi ngộ lớn, nhằm tạo động lực để học sinh, người học, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh đạt thành tích nổi trội, vượt bậc trong học tập cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Nổi bật là Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND (ngày 9/12/2011) của HĐND tỉnh quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, học sinh đạt điểm giỏi trong kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải. Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND (ngày 27/7/2016) của HĐND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế năm học 2016-2017 đến hết năm học 2020-2021.
Nghị quyết số 331/2021/NQ-HĐND (ngày 24/3/2021) của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1, Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND (ngày 9/12/2011) của HĐND tỉnh quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, học sinh đạt điểm giỏi trong kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...
Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026. Một quyết sách đúng đắn, nhân văn, đột phá, đã nhận được sự đồng thuận lớn của đông đảo nhân dân, giáo viên, học sinh trong tỉnh.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết này, học sinh đoạt giải và giáo viên dạy học sinh đoạt giải tại một số kỳ thi, cuộc thi sẽ được thưởng mức cao hơn nhiều so với trước. Trong đó, mức thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020; mức thưởng học sinh giỏi quốc gia tăng 3,5 đến gần 7 lần, khu vực tăng 2,8 đến 3,3 lần, quốc tế tăng từ 3 đến 4,5 lần so với mức thưởng năm 2016.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Theo Nghị quyết mới, học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định. Điều này khẳng định sự quan tâm rất lớn của tỉnh cho con em vùng dân tộc thiểu số. Chắc chắn sẽ tạo động lực để giáo dục mũi nhọn của địa phương bứt phá.
2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, cũng nhờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực cao của ngành Giáo dục, các địa phương, học sinh Quảng Ninh vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được đến trường trong ngày khai giảng năm học mới, được học trực tiếp với bạn bè và thầy cô giáo, trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Đặc biệt, học sinh của tỉnh cũng được tạo điều kiện an toàn nhất, dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 1 đợt; dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 sớm nhất cả nước, qua đó mang lại niềm tin, hạnh phúc cho nhân dân, các bậc phụ huynh, học sinh trong tỉnh.
Các nhà giáo, nhà trường toàn tỉnh luôn chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học trong hoàn cảnh kể cả khi có dịch bùng phát, để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ.
Cô giáo Đặng Thị Hoàn (Trường Tiểu học Nguyễn Bình, TX Quảng Yên) chia sẻ: 2 năm trải qua dịch Covid-19, cả giáo viên và học sinh đều nhận ra rằng không gì vui bằng việc được đến trường, được giao tiếp, học tập, hoạt động, vui chơi cùng bè bạn, thầy cô. Đối với học sinh khối 1, niềm rạng rỡ, hào hứng hiện rõ trên nét mặt của từng em. Bởi khi học trực tiếp, các em được động viên, khích lệ, được giáo viên chỉnh tư thế lưng, khoảng cách mắt với vở viết và được uốn nắn từng con chữ. Cử chỉ yêu thương giữa cô và trò là điều không thể có được khi phải dạy và học trực tuyến.
Để góp phần tạo nên “vùng xanh trường học”, qua đó góp phần ổn định, phát triển hoạt động giáo dục, tỉnh Quảng Ninh cũng đưa học sinh vào diện bảo vệ đặc biệt, nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đối với học sinh độ tuổi từ 12-17. Tới thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho học sinh trong độ tuổi. Công tác tầm soát, xét nghiệm được phụ huynh, nhà trường phối hợp, thực hiện chủ động, ngăn ngừa tối đa việc lây nhiễm chéo trong trường học.
Học sinh Phạm Lê Hải Tú (lớp 9A, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TX Quảng Yên) phấn khởi cho biết: Em đã hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2 cách đây 1 tháng. Theo em, đây là điều kiện không thể tách rời để đảm bảo chúng em được đến trường an toàn, hoàn thành khung chương trình năm học.
Thu hút, đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Từ thực tiễn 10 năm qua, có thể thấy Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nguồn nhân lực. Từ năm 2012, tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các tư vấn hàng đầu của thế giới lập quy hoạch, trong đó có Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tư vấn BCG (Hoa Kỳ) lập. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách ưu việt trong phát triển nguồn nhân lực.
Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 9/6/2014) của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND (ngày 27/8/2021) của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh…
Theo đó, với Nghị quyết số 35, sinh viên các chuyên ngành nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, hoặc kỳ thi KHKT cấp quốc gia. Nghị quyết còn quy định về mức hỗ trợ tiền đóng học phí hằng tháng, hỗ trợ tiền ăn và chi phí học tập cho sinh viên có kết quả đầu vào tốt và cam kết về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh Lưu Văn Minh cho biết: Nhờ có Nghị quyết số 35, trường sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh, thu hút sinh viên học nghề. Nhà trường cũng có cơ hội để nâng cao quy mô và tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên 100%, cùng mục tiêu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cung ứng cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, nhanh chóng thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao về giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long - ngôi trường đại học đầu tiên của tỉnh. Nổi bật là chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến năm 2020; Quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2025.
Các chính sách này là tiền đề rất quan trọng để nhà trường nhanh chóng có được đội ngũ giảng viên chất lượng, bảo đảm việc mở 13 ngành đào tạo đại học. Đến nay, đội ngũ giảng viên nhà trường có trình độ tiến sĩ chiếm 20% tổng số giảng viên giảng dạy đại học (38 tiến sĩ, tăng 13 lần so với năm 2015). Năm tuyển sinh 2021, sinh viên hệ đại học tuyển tăng 41% so với năm tuyển sinh 2020, thể hiện uy tín của nhà trường trong công tác đào tạo.
Những kết quả tích cực của công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy Quảng Ninh phát triển nhanh, vững chắc trong tốp đầu cả nước những năm qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của Quảng Ninh ước tăng 10,01%, cao hơn 0,81% so với năm 2020, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 2 trong cả nước. Quảng Ninh cũng nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Hiện nay, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có hơn 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...
Để đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn tới, hiện nay Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo, kinh phí thực hiện lên tới 1.133 tỷ đồng.
Với mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện năng lực người học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; phấn đấu đến 2030 Quảng Ninh là một trung tâm GD&ĐT có uy tín ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng trong nhóm đầu của cả nước. Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra, trong đó chú trọng nhóm giải pháp cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...
Thời gian tới, tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Cải cách toàn diện GD&ĐT. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung quy hoạch, bố trí quỹ đất, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% để phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, trong các KCN, KKT theo hướng phát triển hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân lao động phải đi trước và đi cùng với phát triển hạ tầng kỹ thuật. Khẩn trương hoàn thành xây dựng thiết chế văn hóa ở KCN.
Tin rằng, với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể là việc sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tiếp tục giúp tỉnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo nền móng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có sự bứt phá trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH cho giai đoạn tiếp theo.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()