Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:42 (GMT +7)
Quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em
Thứ 2, 29/05/2023 | 09:56:52 [GMT +7] A A
“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Hai câu thơ thể hiện tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu nhi và đó cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tại Quảng Ninh, công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em ngày càng được quan tâm, góp phần vun đắp giúp những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng, từ năm 2014, tỉnh đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh; 100% đơn vị điều trị đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện của tỉnh đều bố trí khoa sản, khoa nhi hoặc khoa ghép ngoại - sản, nội - nhi; 100% xã có biên chế y sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Với việc bố trí mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp cùng đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã tạo tiền đề vững chắc cho trẻ em Quảng Ninh được tư vấn, theo dõi và chăm sóc ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Cùng với đó, ngành Y tế Quảng Ninh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em để tổ chức thực hiện, đánh giá định kỳ hàng năm và từng giai đoạn; tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhân dân, cộng đồng về cải thiện môi trường sống, nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi… Qua đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn dưới 10,5% (năm 2022), tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi còn dưới 10%, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 16%; trẻ em trong độ tuổi được uống vitamin A, uống thuốc tẩy giun và cân đo theo biểu đồ tăng trưởng; trẻ được tiêm miễn phí vắc-xin phòng ngừa 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong chương trình tiêm chủng mở rộng; 99,8% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí…
Hằng năm, tỉnh cũng dành ngân sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ trên 213 tỷ đồng để khám sàng lọc tim bẩm sinh, dị tật mắt cho trên 6.500 trẻ và phẫu thuật cho 115 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật mắt, khuyết tật vận động, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hiện vật chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và trao học bổng, dụng cụ học tập, sổ tiết kiệm… cho trên 39.000 trẻ em, với kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực để giúp đỡ, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các trường học tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Tổ chức đoàn thanh niên, các cơ quan trên địa bàn tỉnh quyên góp, ủng hộ hàng nghìn bộ quần áo, chăn ấm và sách vở trong các chương trình tình nguyện, xây dựng các điểm vui chơi, khám và phát thuốc miễn phí…
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, toàn tỉnh có trên 329.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm trên 23% dân số. Trong đó có trên 120.000 trẻ dưới 6 tuổi, 3.196 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 7.768 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Quảng Ninh luôn quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Nhất là trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, với chủ đề: “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” sẽ diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6, tỉnh tăng cường hoạt động truyền thông; tập huấn về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động vận động nguồn lực; thăm tặng quà, hỗ trợ chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em thuộc hộ nghèo, mồ côi; tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ phòng chống xâm hại và phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước…
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()