Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:37 (GMT +7)
Quan tâm, chăm lo giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng khó
Thứ 6, 22/03/2024 | 15:02:07 [GMT +7] A A
Với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh đã ưu tiên các nguồn lực, tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là ban hành các chính sách giáo dục đặc thù dành cho học sinh vùng DTTS, miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Từ một ngôi trường cũ với nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, sau quá trình nâng cấp, cải tạo kéo dài gần 1 năm, Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ giờ đây khoác lên mình một diện mạo mới khang trang, to đẹp hơn. Ngôi trường được đưa vào sử dụng đem lại niềm vui lớn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân huyện Ba Chẽ. Những khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường đã được khắc phục, những điều kiện tốt nhất về thiết bị dạy và học được trang bị đồng bộ, đảm bảo điều kiện giáo dục tiên tiến, đầy đủ nhất cho thầy, cô giáo và học sinh vùng khó, vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của huyện, kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi.
Cô giáo Bằng Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ, phấn khởi chia sẻ: Ngôi trường mới có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác, với 2 nhà học cao tầng, đầy đủ hệ thống nhà nội trú, nhà đa năng, sân giáo dục thể chất. Nhờ thực hiện các chính sách của tỉnh, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, đi học chuyên cần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng đều tăng qua các năm. Sự quan tâm của tỉnh là động lực để thầy, cô giáo và học sinh nhà trường ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư; thực hiện đúng, đủ chính sách hỗ trợ giáo dục để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học, tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất cho học sinh.
Nằm trên địa bàn xã vùng cao Quảng La (TP Hạ Long) với hơn 60% học sinh là con em đồng bào DTTS, Trường THCS&THPT Quảng La được xây mới khang trang, bề thế và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10/2023. Công trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi. Ngôi trường được xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 cho trường phổ thông có nhiều cấp học với quy mô 2 khối nhà học 4 tầng, 1 khối nhà hiệu bộ 4 tầng, 2 nhà để xe; khu nhà đa năng được xây mới với diện tích 640m2, tổng mức đầu tư 197,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố và nguồn cân đối của ngân sách thành phố. Tất cả cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh trong khu vực.
Hoàng Thị Thương, học sinh lớp 11A3, Trường THCS&THPT Quảng La, chia sẻ: Cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, thành phố để chúng em có cơ hội được học tập, rèn luyện trong một ngôi trường lớn, khang trang, hiện đại như bây giờ. Chúng em sẽ nỗ lực cố gắng, giành nhiều thành tích cao trong học tập, để trở thành người có ích, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Quảng Ninh đã ưu tiên dành hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Cùng với Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ, Trường THCS&THPT Quảng La, nhiều công trình giáo dục đã được đầu tư xây mới với quy mô mở rộng nhiều so với trước, như: Trường PTDT nội trú THCS-THPT Tiên Yên, Trường THPT Bình Liêu... Qua đó, tạo điều kiện để mọi học sinh trong tỉnh được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được học tập trong môi trường tiên tiến, hiện đại.
Điều này đã thể hiện sự nỗ lực của tỉnh để mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên), đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập, tạo điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên... Qua đó góp phần hiện thực mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; cải cách toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Trung ương.
Cùng với quan tâm đầu tư hạ tầng phát triển giáo dục, từ năm 2021 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 11 nghị quyết về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục góp phần đổi mới, phát triển GD&ĐT của tỉnh. Trong đó có Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 31/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã đã ra khỏi vùng khó khăn và thôn, xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh dành khoảng 31,3 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí tổ chức dạy hè, tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn, kinh phí chăm sóc cho học sinh bán trú... tại các xã ra khỏi diện khó khăn; các thôn, xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Chính sách này có tác động tích cực đối với giáo dục tại địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Bình Liêu đã có hơn 3.000 lượt đối tượng thuộc 33 thôn của các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Húc Động, Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu được thụ hưởng. Đây là niềm vui, là động lực lớn đối với thầy cô, phụ huynh và học sinh tại các địa bàn miền núi, đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Việc tiếp tục thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ học sinh ở thôn, bản xa về học tại điểm trường chính, góp phần hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, duy trì học 2 buổi/ngày, quy mô huy động trẻ/học sinh ra lớp cũng tăng lên.
Để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh DTTS, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UBND thực hiện sáp nhập Trường PTDT nội trú Hoành Bồ vào Trường PTDT nội trú tỉnh thành Trường PTDT nội trú THCS&THPT tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường và điều kiện giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh. Đồng thời, bố trí cơ sở 2 của Trường Đại học Hạ Long và một số phương tiện, thiết bị; tiến hành cải tạo, sửa chữa, mua sắm bổ sung, giao cho trường mới sau sáp nhập quản lý, sử dụng, bảo đảm những điều kiện cần thiết theo đúng quy định, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường sau sáp nhập tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định đối với trường PTDT nội trú. Môi trường giảng dạy, học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh có nhiều thuận lợi so với trước. Đây là điều kiện quan trọng để nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng đồng bào DTTS những năm tiếp theo.
Với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục, mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi ngày càng được củng cố, phát triển. Toàn tỉnh hiện có 5 trường PTDT nội trú, trong đó có 3 trường cấp huyện tại 3 địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà và 2 trường cấp tỉnh tại 2 địa phương là Hạ Long và Tiên Yên, với tổng số 1.799 học sinh. Bên cạnh đó, tỉnh có 11 trường PTDT bán trú tại 4 địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà và Tiên Yên với gần 4.000 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào DTTS học tập.
Theo số liệu thống kê hằng năm, thành tích của học sinh DTTS toàn tỉnh tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. 5 năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tại các trường PTDT nội trú cấp tỉnh đạt 100%. Đối với trường PTDT bán trú, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ học sinh mức đạt và khá, giỏi cấp THCS đạt trên 95%; số học sinh DTTS đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo.
Sự quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi là chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và thực tế đã được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, khoảng cách giáo dục giữa miền núi và đồng bằng từng bước được thu hẹp, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng DTTS và miền núi nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()