Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:35 (GMT +7)
Quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động nữ
Thứ 3, 12/09/2023 | 08:16:44 [GMT +7] A A
Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động đối với lao động nữ tại một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, cơ bản các đơn vị, doanh nghiệp đều thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lao động nữ, giúp nữ công nhân lao động yên tâm, gắn bó.
Toàn tỉnh có trên 17.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 680.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Hội LHPN thường xuyên phối hợp với Liên đoàn lao động các cấp, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, trọng tâm là pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bình đẳng giới… Đồng thời tham gia với các cấp, các ngành và cơ sở tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ trong học tập, lao động, công tác, nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình; phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, đơn vị doanh nghiệp có nhiều hình thức thiết thực phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng sống… cho lao động nữ.
Từ tháng 8 đến tháng 9/2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ ở 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ tại các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái. Theo đó, nội dung giám sát, gồm: Tình hình thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách pháp luật đối với lao động nữ tại doanh nghiệp; việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ (thời gian làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện hỗ trợ…); ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế…
Là một trong những doanh nghiệp dịch vụ-du lịch tại TP Uông Bí, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm hiện có khoảng 60% lao động nữ. Công ty luôn dành nhiều ưu ái từ chăm lo đời sống vật chất đến tinh thần cho lao động nữ, như: Thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn giải pháp giữ gìn hạnh phúc gia đình và cách ứng xử giao tiếp cho lao động nữ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang sắm đồng phục, phòng tắm-phòng thay đồ; tổ chức các hoạt động để lao động nữ tham gia nhân dịp lễ, tết…
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng Quản lý, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chia sẻ: Chúng tôi đã xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định đối với lao động nữ, như: Nghỉ chế độ thai sản hưởng theo quy định, chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh được các doanh nghiệp quan tâm, lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 được chuyển làm công việc ít nặng nhọc hơn, lao động nữ nuôi con nhỏ được bố trí thời gian làm việc linh hoạt hơn, sắp xếp nghỉ 60 phút/ngày, tặng quà cho con lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt với kinh phí cao hơn so với quy định trong Thỏa ước lao động… Cùng với đó, Công đoàn cũng phối hợp với lãnh đạo chuyên môn thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ.
Hằng năm theo nhiệm vụ được giao, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Từ năm 2013 đến nay, Hội đã tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động đối với lao động nữ tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội…
Thông qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động đối với lao động nữ sẽ tăng cường vai trò của các cấp hội phụ nữ trong nắm bắt việc thực hiện chính sách ở các doanh nghiệp, đơn vị; đồng thời, đề xuất kiến nghị để tháo gỡ khó khăn và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()