Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:29 (GMT +7)
Quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, bền vững
Thứ 4, 17/08/2022 | 08:46:03 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, nổi bật nhất là trữ lượng than đá chiếm 95% trữ lượng than của cả nước. Để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên này, Quảng Ninh triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng cường công tác quản lý; kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh trái phép than và các khoáng sản khác. Qua đó, đã góp phần bảo vệ tốt tài nguyên than, khoáng sản, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh một cách toàn diện, hiệu quả.
Những chuyển biến mạnh
Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chế tài để bảo đảm pháp luật về khoáng sản được thực thi nghiêm, có hiệu quả. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết 12-NQ/TU (ngày 12/1/2014); Kết luận số 40-KL/TU (ngày 27/4/2017); Kết luận 288-KL/TU (ngày 31/5/2018) với sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng của ngành Than.
Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả các nguồn nguyên liệu sau khai thác và phù hợp với một số điều chỉnh của Trung ương, tháng 5/2019, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 12-NQ/TU). Các chỉ đạo mới đưa ra trong Nghị quyết 16 là những chế tài mạnh mẽ, thể hiện rất rõ quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên than, khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Sau 3 năm, Nghị quyết 16 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Than và các đơn vị hoạt động khoáng sản trong nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được chú trọng và nâng cao. Tỉnh và các ngành, địa phương, đơn vị đã đánh giá đúng tình hình, phân công rõ trách nhiệm, lãnh đạo chỉ đạo sát thực tiễn; tổ chức nhiều giải pháp ngăn chặn các hoạt động liên quan đến than, khoáng sản trái phép trên địa bàn; phát hiện xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có các điểm phức tạp về khai thác than trái phép; công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản được kiểm soát toàn diện; trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, khoáng sản được giữ vững.
Theo đồng chí Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đến nay hoạt động khai thác than trái phép trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát triệt để, những vụ việc vi phạm bị bắt giữ giảm rõ rệt từ năm 2011 đến nay.
Chỉ ra chuyển biến tích cực tại địa phương, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả Nguyễn Anh Tú cho rằng: Nghị quyết 16 đã tạo nhiều chuyển biến tích cực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phối hợp với TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, giữa các phường, xã trên địa bàn thành phố. Rõ nét nhất là hệ thống cảng bến được quản lý hiệu quả, không có bến bãi nào trái phép mà không được xử lý. Bước đầu, đã tận dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn thành phố. Cùng với đó công tác quy hoạch, quản lý trong ranh giới, ngoài ranh giới, cảng bến, vận tải, môi trường đều đạt kết quả tốt.
Việc giữ nghiêm trật tự, kỷ cương, kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh trái phép than và các khoáng sản khác đã góp phần bảo vệ tốt tài nguyên than, khoáng sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành Than ổn định sản xuất, phát triển.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải khẳng định: Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã luôn đồng hành tạo điều kiện giúp đỡ Tập đoàn và các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh, đã giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh than. Về cơ bản đã kiểm soát tốt hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến kinh doanh than, kiểm soát chặt chẽ các dự án kinh tế - xã hội có liên quan đến than, quy hoạch lại hệ thống các cảng bến, tuyến luồng vận tải than không để xảy ra các điểm nóng về khai thác trái phép; tạo môi trường an toàn, ổn định, thực sự tạo điều kiện cho ngành than và TKV hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Không ngừng siết chặt công tác quản lý
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về than, khoáng sản còn có mặt hạn chế. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra ngày 16/8, các đại biểu chỉ ra rằng, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng và TKV, Tổng Công ty Đông Bắc trong quản lý tài nguyên, than còn chưa chặt chẽ. Công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép than, khoáng sản có lúc chưa kịp thời. Công tác quản lý đất san lấp còn nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng khai thác, mua bán, sử dụng vật liệu san lấp trái phép. “Nút thắt” về việc sử dụng đất đá thải mỏ, đá xít làm vật liệu san nền cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chưa được tháo gỡ...
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của tỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật, đề xuất các giải pháp, các đại biểu cho rằng: Cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, giám sát của Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than và các khoáng sản theo đúng quy định, quy hoach, kế hoạch, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Các địa phương, nhất là chính quyền cấp cơ sở cần tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình để phòng ngừa sớm, không để xảy ra các sai phạm trong khai thác than cũng như khoáng sản khác. Các địa phương cho rà soát lại, quản lý chặt chẽ các cảng bến tập kết, kinh doanh cát, đá, sỏi. Ngành Than cần phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ ranh giới khai trường.
Để giải quyết một số bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực hiện nghị quyết, đảm bảo phù hợp với thực tiễn; đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn nguyên liệu sau khai thác than, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản khác phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, các đại biểu thống nhất cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất việc khai thác, sử dụng các mỏ cũ đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản tránh không thất thu ngân sách, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp...
Khẳng định quyết tâm của tỉnh trong quản lý, khai thác, bảo vệ tốt tài nguyên, khoáng sản gắn với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, bền vững tài nguyên than, khoáng sản. Trong đó, tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là thiết kế bộ công cụ quản trị nội bộ để phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; đẩy mạnh giáo dục cán bộ, đảng viên của ngành Than, của tỉnh về trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, khoáng sản. Ngành Than phải quan tâm quy hoạch các vùng than phù hợp với tình hình mới phù hợp với tỉnh, từng địa phương và xác định rõ lộ trình trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26. Đồng thời, coi trọng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng của ngành Than đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()