Tất cả chuyên mục

Sản xuất than, nhiệt điện là những ngành thế mạnh góp phần đắc lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là những lĩnh vực phức tạp trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chính vì thế, thời gian qua, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã có cuộc giám sát thực hiện pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh (SXKD) than, nhiệt điện trên địa bàn. Qua đó, nhằm chấn chỉnh, siết chặt quản lý trong các lĩnh vực này.
![]() |
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ tư, trái sang) kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại khai trường ty CP Than Mông Dương. |
Quá trình giám sát tại 20 đơn vị thành viên của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc; 2 đơn vị sản xuất kinh doanh điện trên địa bàn cho thấy: Thời gian qua các đơn vị sản xuất than, nhiệt điện đã tích cực triển khai thực hiện các thủ tục về quản lý khoáng sản, nghĩa vụ tài chính trong quản lý, sử dụng đất... Công tác bảo vệ môi trường trong SXKD than được các đơn vị ngành Than quan tâm đầu tư, như hệ thống xử lý, ứng dụng khoa học, công nghệ vào khai thác, vận chuyển, chế biến; giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Do đó môi trường SXKD than trên địa bàn được cải thiện rõ rệt.
Ông Lê Nguyên Việt, Trưởng thôn Khe Sim, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, cho biết: Chúng tôi ở ngay khai trường của Công ty Than Quang Hanh. Trước kia, chúng tôi rất khổ vì ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra nhưng mấy năm gần đây đã bớt đi rất nhiều. Công ty Than Quang Hanh đã xây các kè chắn đất đá trên đầu nguồn, chân các bãi thải; thường xuyên phun nước dập bụi, phun sương các tuyến vận tải qua khu dân cư. Nhờ thế, cuộc sống của chúng tôi được cải thiện hơn rất nhiều.
Tại Công ty Than Nam Mẫu - TKV, chúng tôi thấy ngoài những biện pháp đảm bảo môi trường như các đơn vị ngành Than thực hiện, Công ty còn thực hiện nhiều giải pháp ứng phó sự cố môi trường. Đó là, xây dựng hệ thống giám sát khí mê tan tập trung tự động để PCCN mỏ; xây dựng các nhà kho lưu trữ tạm thời chất thải nguy hại.
Trong SXKD nhiệt điện, hiện 7/7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động ở địa phương đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo quy định; đầu tư hệ thống giám sát môi trường tự động nhằm cảnh báo các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Một số nhà máy điện còn đầu tư hệ thống phun sương dập bụi trong khuôn viên; thay thế than cám 6 bằng than Na Dương trong quá trình khởi động lò, sử dụng phương pháp trộn ẩm tro xỉ trong quá trình thải xỉ từ si lô xuống xe vận chuyển nhằm giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường... Công tác thanh, kiểm tra thực hiện pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong SXKD than, nhiệt điện trên địa bàn, qua giám sát cho thấy: Từ năm 2013 đến nay, trung bình hàng năm các cơ quan chức năng tỉnh, UBND các địa phương đã tiến hành 50-70 cuộc thanh, kiểm tra đối với các đơn vị, dự án hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, SXKD than, xi măng, nhiệt điện trên địa bàn. Qua đó đã yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại hạn chế, cũng như lập biên bản xử phạt 13 đơn vị sai phạm. Trong đó, Sở TN&MT ra quyết định xử phạt 8 đơn vị; UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 5 đơn vị. Đặc biệt trong thời gian qua các sở, ngành và UBND các địa phương liên quan đã tăng cường quản lý, phối hợp với ngành Than trong phòng, chống khai thác than trái phép. Do đó việc vi phạm quy định về quản lý ranh giới mỏ và khai thác, vận chuyển than trái phép tại các địa phương trên địa bàn từng bước đã được kiểm soát, ngăn chặn.
Cùng kết quả trên, quá trình giám sát thấy vẫn còn một số hạn chế: Một số khu vực hoạt động khoáng sản chưa có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn; sản lượng khai thác luôn vượt quá công suất của giấy phép. Đơn cử như Công ty CP Than Hà Lầm, 9 tháng năm 2015 khai thác vượt 165% công suất (476.987/180.000 tấn); Công ty Than Hạ Long tại khu vỉa Dày Khe Sim năm 2014 vượt 20,27% (120.270/100.000 tấn); Công ty Than Núi Béo tại khu vỉa 11,14 trong 9 tháng năm 2015 khai thác vượt 13,82% công suất (1.128.232/1.000.000 tấn); công tác phối hợp quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản ở khu vực giáp ranh của một số địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác than trái phép. Điển hình như khai trường Công ty TNHH MTV Than 91 (giáp ranh giữa Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí với xã Tràng Lương, TX Đông Triều); giữa Công ty TNHH MTV Than Hạ Long với Công ty Than Hoành Bồ v.v.. Trong quản lý, sử dụng đất, một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã sử dụng đất để khai thác, chế biến khoáng sản từ nhiều năm, nhưng chưa có hợp đồng và chưa nộp tiền thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng mà chưa được gia hạn; sử dụng vượt diện tích đất được thuê. Bên cạnh đó, vẫn còn đơn vị để nước thải mỏ chảy thẳng ra sông suối không qua xử lý; đổ thải chưa tuân thủ theo quy trình, bãi thải cao, chân bãi thải chưa có hệ thống kè chắn sạt lở… gây nguy cơ bụi bị khuếch tán vào không khí và không đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh. Một số nhà máy nhiệt điện trên địa bàn hiện sử dụng công nghệ của Trung Quốc, nên việc xử lý bụi không được triệt để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy; hệ thống bãi thải xỉ đầy nhưng chưa có hệ thống kè chắn; một số nhà máy thải xỉ khô ra bãi thải, chưa có biện pháp xử lý bụi nên làm tăng nồng độ bụi tại khu vực, như Nhà máy nhiệt điện Đông Triều v.v..
Tuấn Hương
Ý kiến ()