Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:30 (GMT +7)
Quản lý, sử dụng tiền công đức
Thứ 2, 27/11/2023 | 09:34:17 [GMT +7] A A
Kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa tại Quảng Ninh của liên Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa - Thể thao vừa qua cho thấy, công tác quản lý tiền công đức tại những nơi này chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu tính minh bạch, công khai đến người dân và phật tử.
Cần quy chế rõ ràng, giám sát chặt chẽ
Hiện trên địa bàn tỉnh có 450 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh… Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên bộ, năm 2022 tổng thu từ tiền công đức, tài trợ các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), bằng khoảng 40%-60% số thu công đức, tài trợ năm 2019.
Riêng 4 tháng đầu năm 2023 tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022; dự kiến cả năm có thể lên tới 180 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng, góp phần giúp địa phương duy trì hoạt động ban quản lý (BQL) các di tích, đặc biệt là trùng tu, tôn tạo các di tích, cơ sở thờ tự trên địa bàn.
Theo đánh giá của liên bộ, các di tích ở Quảng Ninh về cơ bản có bàn ghi công đức, đặt hòm công đức ở vị trí phù hợp, công khai, nghiêm túc, bài bản trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ. Dù vậy nhiều du khách vẫn còn thói quen đặt tiền trên các ban thờ, trên mâm lễ hay gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước… gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Trưởng BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông và Cặp Tiên, cho biết: Thí điểm kiểm tra tiền công đức, tài trợ lần đầu tiên tại Quảng Ninh là việc làm cần thiết, vừa giúp địa phương có đánh giá tổng quát, vừa có thêm những kinh nghiệm trong công tác quản lý. Qua kiểm tra đã chỉ ra cho BQL di tích những mặt còn hạn chế cũng như trong quy trình kiểm đếm, tiếp nhận cần cụ thể và tăng cường công tác giám sát của cộng đồng với cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả; tăng niềm tin của người dân; giúp cơ sở cần có sổ sách để ghi nhận, tiếp nhận những hiện vật mà nhân dân và du khách công đức vào khu di tích.
Đáng chú ý, trong 450 di tích lịch sử văn hóa đưa vào danh mục kiểm kê có nhiều cơ sở thờ tự có sự đan xen quản lý của nhiều tổ chức. Tại các di tích có trụ trì, đa số có báo cáo thu, chi, nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản chưa được công khai. Theo đánh giá của du khách, các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.
Điểm đáng chú ý là có một số di tích mỗi năm đón lượng lớn du khách, nhân dân, phật tử đến chiêm bái, lễ hội, nhưng số tiền công đức khi báo cáo đoàn kiểm tra liên bộ lại rất thấp, gây nhiều hoài nghi, thắc mắc cho nhân dân và những người trực tiếp tham gia công đức.
Tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra: Hằng năm khu di tích này đón trên 2 triệu lượt khách, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan, nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 chỉ có 3,7 tỷ đồng, thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu (5,8 tỷ đồng) - di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ (TP Móng Cái) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng) ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả).
Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) mỗi năm đón gần 1 triệu lượt du khách, phật tử thập phương đến chiêm bái, lễ hội, được đánh giá có số thu công đức tốt, nhưng không có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ đến chính quyền địa phương và đoàn kiểm tra liên bộ. Điều này gây sự hoài nghi trong nhân dân, phật tử về tính minh bạch trong thu, chi tiền công đức, không đúng quy định được nêu tại khoản 2, Điều 18 Thông tư số 04/TT-BTC (ngày 19/1/2023) của Bộ Tài chính quy định tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm “cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật” và không đúng theo Quyết định số 775/QĐ-BTC (ngày 12/4/2023) của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bà Trần Thị Bình (khu phố Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Hương) bày tỏ: "Nếu các nhà chùa không công khai khoản tiền công đức đóng góp của nhân dân sẽ dẫn đến những hoài nghi về tính trung thực, khách quan trong ghi thu, ghi chi tiền công đức". Ông Nguyễn Việt Dũng (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: "Việc công khai, minh bạch tiền công đức giúp người dân nắm được số tiền mình đóng góp được sử dụng như thế nào. Nếu được dùng để trùng tu tôn tạo sẽ giúp người dân có thêm niềm tin và sẽ ủng hộ nhiều hơn".
Siết chặt công tác quản lý
Từ công tác kiểm tra tại Quảng Ninh, đoàn kiểm tra liên bộ kiến nghị tỉnh Quảng Ninh có biện pháp triển khai thực hiện tốt Thông tư số 04/TT-BTC (ngày 19/1/2023) của Bộ Tài chính, vì đây là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh về việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, trong đó quy định cụ thể các hình thức tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ trên cơ sở tôn trọng và bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Trong đó cần siết chặt, có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các di tích trong việc quản lý thu, chi tiền công đức và được công khai đến nhân dân - những chủ thể trực tiếp đóng góp công đức, họ muốn biết chính xác tiền công đức của mình có được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích hay không.
Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thành viên đoàn kiểm tra liên bộ, cho biết: Tỉnh Quảng Ninh cần phát huy hiệu quả công tác quản lý thu, chi tiền công đức tại đền Cửa Ông, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, từ đó nhân rộng mô hình quản lý, giám sát và có sự công khai tiền công đức, giọt dầu trong các khu di tích trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu di tích có lượng lớn du khách, nhân dân đến chiêm bái, lễ hội đầu năm.
Cũng theo ông Hưng, qua công tác kiểm tra tại đền Cửa Ông cho thấy, BQL di tích đã thành lập các tổ ghi tiếp nhận công đức, tổ bảo vệ, tổ giám sát, tổ mở khóa hòm và tổ kiểm đếm tiền công đức. Tại đền có đặt hòm công đức ở các điểm thờ tự, có mã QR tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc công đức theo hình thức chuyển khoản; có hệ thống camera giám sát tại các điểm tiếp nhận và kiểm đếm tiền công đức. Các khoản tiền đặt lễ, đặt không đúng nơi quy định được thu gom bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Việc mở hòm công đức vào 14 giờ hằng ngày có sự chứng kiến của đại diện các tổ ghi tiếp nhận công đức, bảo vệ, giám sát, mở khóa hòm công đức, kiểm đếm; tiền lấy ra từ hòm công đức có túi đựng riêng, được niêm phong và chuyển về bộ phận kiểm đếm.
Qua tổng hợp của BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông và Cặp Tiên, 10 tháng năm 2023 khu di tích tiếp nhận trên 21 tỷ đồng tiền công đức, tiền giọt dầu từ du khách, phật tử thập phương.
Thực tế ở Quảng Ninh, người dân, phật tử, du khách có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội. Đây được coi là nguồn tài chính quan trọng để trùng tu, tu bổ các di tích, gìn giữ các giá trị truyền thống và tâm linh trong đời sống nhân dân. Vì vậy việc công khai, minh bạch các khoản thu là việc làm chính đáng và cần có hành lang pháp lý để nguồn tiền được công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả, nhằm ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng tổ chức lễ hội, quản lý di tích để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Bà Phạm Thị Nhị (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: Nhân dân, phật tử luôn thành tâm thực hiện công đức để xây dựng, trùng tu, bảo tồn các giá trị của di tích, phục vụ cho lợi ích tâm linh, sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên nguồn tiền công đức cần được công khai, minh bạch và chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, đảm bảo nguồn tiền công đức của nhân dân sử dụng đúng mục đích, ngăn chặn tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Ngay sau khi nhận được báo cáo kiểm tra của liên bộ, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh tham mưu xây dựng dự thảo quyết định quy định về quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Dự thảo nêu rõ, tiền công đức, tài trợ cho các di tích phải được quản lý và sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc công đức, tài trợ cho các di tích để phục vụ cho lợi ích cá nhân và thực hiện các mục đích khác trái với quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý di tích trực tiếp tổ chức tiếp nhận, quản lý nguồn tiền công đức, tài trợ; bố trí hòm công đức đúng nơi quy định, giấy niêm phong, chìa khóa két, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, thực hiện hạch toán kế toán và quyết toán các khoản thu, chi tài chính theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và báo cáo theo quy định của pháp luật về kế toán cũng như phải công khai nguồn tiền công đức, tài trợ theo đúng quy định.
Hiếu Dân
Liên kết website
Ý kiến ()